Thành phố Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí sau sắp xếp

Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, trong đó có 2 báo thuộc tổ chức tôn giáo, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí.

Thành phố Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, trong đó có 2 báo thuộc tổ chức tôn giáo, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí.

Các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử, tạp chí in và tạp chí điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.

Đây là số lượng cơ quan báo chí sau sắp xếp trong Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 22/5.

Về phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện, đề án nêu rõ số lượng cơ quan báo chí Thành phố thực hiện sắp xếp là 27/28 (Báo Công an thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Công an) với lộ trình gồm hai giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020, có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp; trong đó, giữ ổn định một cơ quan là Báo Sài Gòn Giải phóng; chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí; chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quan 8 cơ quan báo chí; sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí.

Giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, hoàn thành việc sắp xếp. Trong giai đoạn này, các cơ quan báo chí nhanh chóng ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới.

Đến năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn 1 cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Về các giải pháp thực hiện, Thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác sắp xếp báo chí, phát triển và quản lý báo chí, ổn định tư tưởng cho các cơ quan báo chí, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện đề án…

Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thành phố; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về báo chí; kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí thành phố trong tình hình mới cũng như cơ chế tài chính, khoa học-công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại.

[Hoàn thành quy hoạch báo chí với 19 tổ chức hội Trung ương]

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố đa dạng và phong phú với 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương.

Hoạt động báo chí với đầy đủ các loại hình như báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, báo chí thành phố phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thức và nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân và trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng; cổ vũ kịp thời các phong trào hành động cách mạng và những tấm gương điển hình tiên tiến.

Đặc biệt, báo chí đã và đang làm tốt chức năng phản biện xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và chính quyền với dân - dân với Đảng, chính quyền.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông điện tử đã làm thay đổi cơ cấu thông tin, dẫn đến hiện tượng trùng lặp thông tin, chất lượng thông tin của một số tờ báo, ấn phẩm chưa được nâng cao.

Tình trạng chưa bám sát tôn chỉ, mục đích ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa khắc phục được; vẫn còn xu hướng “câu like,” “câu view” dẫn đến thông tin lên mạng xã hội thiếu tính định hướng hoặc không phù hợp chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Đề án sắp xếp hệ thống báo chí Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng đối với hoạt động báo chí; đồng thời gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục