Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nước EU

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.724 dự án đầu tư của EU với tổng số vốn đạt 7,69 tỷ USD, chiếm 10,27% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đoàn doanh nghiệp EU chủ trì diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhu cầu thu hút đầu tư lớn vào nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới công nghệ sản xuất, dịch vụ logistics... những lĩnh vực mà các tập đoàn đầu tư, doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) có nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực để tham gia hợp tác.

Trên đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố  Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/6.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực đã mang lại lợi ích to lớn, cân bằng cho cả Việt Nam và EU. Bên cạnh đó, lợi ích và cơ hội thúc đẩy hợp tác-kết nối song phương về kinh tế cũng rất lớn.

[Việt Nam và Liên minh châu Âu tăng cường hợp tác nông nghiệp]

Một mặt, với việc từng bước xóa bỏ 99% các dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi và cơ hội mới để các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng với 512 triệu dân.

Mặt khác, các doanh nghiệp EU cũng sẽ hường lợi lớn từ thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, nhất là các mặt hàng EU có thế mạnh như máy móc, trang thiết bị, phụ tùng, hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm ôn đới.

“Với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, tài chính của EU, nhiều dự án về giao thông đô thị, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu... đã được triển khai, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam nói chung và Thành phố  Hồ Chí Minh nói riêng,” ông Võ Văn Hoan chia sẻ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.724 dự án đầu tư của EU với tổng số vốn đạt 7,69 tỷ USD, chiếm 10,27% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố.

Các lĩnh vực đầu tư gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; thông tin và truyền thông.

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.

Hiện, Thành phố đang kêu gọi đầu tư vào 197 dự án thuộc 10 lĩnh vực chính như hạ tầng giao thông; nông nghiệp, công nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ, y tế, du lịch, giáo dục, xây dựng nhà ở...

Theo ông Đào Minh Chánh, thời gian qua, Thành phố  Hồ Chí Minh đã liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Cụ thể như, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ miễn, giảm 10% trong 15 năm đối với dự án đầu tư mới vào khu kỹ thuật-khu công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển trong khu công nghệ cao.

Miễn, giảm thuế suất 10% không quá 30 năm khi đáp ứng một trong các các tiêu chí như sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau năm năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư; sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động được xác định theo quy định của pháp luật về lao động.

Ưu đãi đầu tư đặc biệt thuế suất từ 5-9% trong thời gian từ 30-37 năm và miễn trong thời gian từ 5-6 năm và giảm từ 10-13 năm cho doanh nghiệp có dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân ít nhất 1.000 tỷ đồng trong 3 năm, có trung tâm nghiên cứu phát triển.

Song song đó, nhà đầu tư được miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được; đồng thời, miễn thuế xuất khẩu cho sản phẩm công nghệ cao.

Về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, giá thuê đất được tính theo bảng giá đất của thành phố; miễn giảm tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt và giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1-3% tổng vốn đầu tư).

Ông Philipp Rosler, Trưởng đoàn doanh nghiệp châu Âu, đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là giai đoạn phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian gần đây; đồng thời, cho biết nhu cầu tìm kiếm thông tin, cơ hội đầu tư, kết nối thương mại của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn.

Ông Philipp Rosler, Trưởng đoàn doanh nghiệp châu Âu, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Các doanh nghiệp EU đặc biệt quan tâm đến định hướng và các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới bởi đây là lĩnh vực mà hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau.

Theo ông Philipp Rosler, việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ giúp doanh nghiệp hai bên tận dụng được hiệu quả lợi thế từ Hiệp định EVFTA mà còn là cầu nối cho các doanh nghiệp EU tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực và châu Á./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục