Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm tại EVN

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại EVN

Công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng; đầu tư không đúng quy định hơn 1.900 tỷ đồng...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngọc Hà/TTXVN

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đầu tư vượt vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo kết luận, bên cạnh những ưu điểm, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuyết điểm, vi phạm của Tập đoàn này như công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỷ đồng...

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN là 2,741 lần, hệ số nợ giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN là 3,246 lần, Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVN chưa nộp về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương và địa phương tiền phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 533,1 tỷ đồng. Số tiền này, trong quá trình thanh tra, Công ty mẹ EVN đã nộp về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Công ty mẹ EVN còn xây dựng các chỉ tiêu để xác định giá bán điện nội bộ cho Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (SPC) thiếu một số khoản doanh thu và chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động phân phối điện; chưa hướng dẫn việc xác định giá thành cho hoạt động treo cáp thông tin để thống nhất việc quản lý giữa các Tổng Công ty Điện lực; EVN cấp cho Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (NPC) hơn 3,5 tỷ đồng từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để xây dựng Trường dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu không đúng với mục đích sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản.

Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra hàng loạt các sai phạm tại EVN như hướng dẫn hạch toán nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án với tổng số tiền hơn 223,9 tỷ đồng; chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; mua 2 xe ôtô vượt định mức quy định tại Thông tư số 06 của Bộ Tài chính với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Chưa hết, từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN đã triển khai chậm tiến độ 20/42 dự án dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án. EVN và Viettel chưa xử lý khoản công nợ liên quan đến việc bàn giao tài sản viễn thông với số tiền phải trả lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng; chưa hướng dẫn Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) và các Tổng Công ty Điện lực thanh toán dứt điểm việc bàn giao tài sản lưới điện 110KV hơn 1.000 tỷ đồng; chưa hướng dẫn EVN Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc thanh toán dứt điểm hơn 829,7 tỷ đồng với EVN Hà Nội và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải Phòng việc bàn giao tài sản thuộc Dự án ADB.

Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy Thủy điện Ankhe Knack xác định thời điểm trích khấu hao tài sản chưa đúng quy định; trích khấu hao các công trình đường giao thông Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện Ankhe Knach không đúng thời gian đăng ký với cơ quan thuế theo quy định.


Nhiều sai phạm tại các đơn vị thành viên

Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản tại các đơn vị thành viên, kết luận cũng chỉ ra hàng loạt các vi phạm như Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia không bảo toàn được vốn nhà nước trong năm 2011; chỉ định thầu chưa đúng quy định tại gói thầu với tổng trị giá 299,4 tỷ đồng; chưa thực hiện phạt chậm tiến độ đối với các dự án theo quy định...; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội không bảo toàn được vốn trong năm 2011, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm 328,7 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số tiền lên tới gần 400 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Miền Trung trích thiếu dự phòng phải thu khó đòi số tiền hơn 3,4 tỷ đồng...

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình đối với tổ chức hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu EVN; kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm đã chỉ ra qua thanh tra. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát lại nhu cầu đầu tư, việc cấp phép đầu tư đối với 4 dự án Nhà máy sản xuất thép trên địa bàn tỉnh.

Đối với EVN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao EVN thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của Công ty mẹ EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng Công ty điện lực; thực hiện Quyết định số 854 của Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015, cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn, không sơ hở để một số đối tượng trục lợi; hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, đồng thời, tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị EVN phải hướng dẫn các nhà máy thủy điện Sơn La, Đồng Nai, Ankhe Kanak xác định lại thời điểm tăng tài sản để trích khấu hao trong năm 2011 theo đúng quy định; tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân có liên quan đến việc sử dụng 2 khách sạn để góp vốn thành lập công ty cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Thủy điện Nho Quế 1 và đề xuất biện pháp xử lý.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đề xuất xử lý số tiền hơn 107,3 tỷ đồng do chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định và chi vượt mức tiêu hao hợp lý do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam dừng đầu tư 7 dự án gây lãng phí vốn đầu tư…; tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan

Ngày 9/12/2013, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 442/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo thông báo, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Riêng đối với một số nội dung cụ thể, Thủ tướng có ý kiến rằng việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2.000 tỷ đồng). Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoát vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để có một số đối tượng trục lợi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam hạch toán đúng quy định của pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động; đồng thời tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Việc xử lý các vấn đề liên quan đầu tư và chuyển giai EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (trong đó có việc thu tiền cáp treo viễn thông). Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và có quyết định cụ thể.

Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán 163,21 tỷ đồng chi phí khởi động lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí; yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty lắp máy Việt Nam rà soát, bổ sung các điều khoản Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng để có phụ lục hợp đồng nhằm giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án này.

Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc hạch toán kinh phí mua xe ôtô vượt định mức; Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc mua xe ô tô vượt định mức quy định.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí chi đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, có biện pháp giải quyết phù hợp đối với số văn bằng thạc sỹ do trường Đại học Griggs (Hoa Kỳ) cấp theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 20/11/2012 của Văn phòng Chính phủ về xử lý sau thanh tra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (kể cả đối với cán bộ đã nghỉ hưu) trong việc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam kinh doanh thua lỗ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp, rà soát, chuẩn bị kỹ để tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra và xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục