Ngày 21/6, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thanh tra Bộ Nội vụ tổ chức công bố Quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng, bổ nhiệm công chức; việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức... tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Phát biểu tại buổi công bố Quyết định, ông Nguyễn Mạnh Khương, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ nêu rõ mục đích, yêu cầu, sự cần thiết của hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ; nội dung thanh tra theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt.
Công bố Quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, ông Trần Ngọc Huy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn thanh tra, cho biết nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; nâng ngạch công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo Kết luận số 48-KL/TW, Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/5/2022.
[Thanh tra việc quản lý biên chế, bổ nhiệm công chức tại tỉnh Thái Bình]
Ông Trần Ngọc Huy cũng phổ biến nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; thông qua phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra đối với những nội dung thanh tra thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức; thông qua lịch làm việc của Đoàn thanh tra với các cơ quan, tổ chức được thanh tra.
Ông Trần Ngọc Huy đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan, tổ chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm việc với Đoàn thanh tra.
Phát biểu tại buổi công bố Quyết định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương tiếp thu các ý kiến của Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ và Trưởng đoàn thanh tra; đồng thời thống nhất về thời gian, chương trình, nội dung làm việc của Đoàn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong quá trình thanh tra, đảm bảo về thời gian, địa điểm, hồ sơ, tài liệu, thành phần làm việc theo đúng yêu cầu của Đoàn thanh tra.
Các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm việc với Đoàn thanh tra.
Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu có vấn đề phát sinh, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để có chỉ đạo, giải quyết.
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, bố trí đúng thành phần để làm việc với Đoàn Thanh tra theo đúng kế hoạch; đồng thời yêu cầu Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ; nghiêm túc thực hiện đúng Kế hoạch thanh tra, Quy chế làm việc của Đoàn thanh tra; không để hoạt động thanh tra ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị; giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính trong quá trình thanh tra.
Biên bản làm việc phải phản ánh trung thực hoạt động thanh tra và kết quả thực hiện của đối tượng thanh tra./.