Trước hiện tượng một số cơ quan báo chí có hành động nhũng nhiễu doanh nghiệp, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết sẽ xử lý nghiêm tình trạng này.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết. Báo chí là một trong những “chỗ dựa” của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, thông tin về bất cập trong cơ chế chính sách, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh... Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp nguồn tin cho báo chí, quảng cáo trên báo chí.
Theo ông Trương Minh Tuấn, trong thực tế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí “có rất nhiều vấn đề.” Trước sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ thông tin và của truyền thông đa phương tiện, báo chí truyền thống và ngay cả báo điện tử cũng đang đứng trước thách thức sống còn. Sự bùng nổ các hình thức quảng cáo trên nền tảng di động (Mobile Ads), video ngoài di động (Non-mobile Video) và truyền thông xã hội (Social Ads) khiến cho báo in, báo điện tử bị sụt giảm thị phần quảng cáo.
Thế nhưng, thay vì đổi mới để thích nghi với sự biến đổi của công nghệ và truyền thông, có tình trạng báo chí sử dụng các cách thức phi thị trường để thu hút “bầu sữa” quảng cáo từ doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân phát sinh tiêu cực nhũng nhiễu doanh nghiệp từ báo chí.
“Tình trạng tiêu cực mang tính xu hướng này cộng với những tiêu cực đã có từ lâu (như sự sách nhiễu ăn tiền doanh nghiệp một cách trắng trợn của một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức) đang khiến một bộ phận các cơ quan báo chí trở thành gánh nặng của nhà nước, trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. Và xin nói thẳng, một số cơ quan báo chí và một số nhà báo còn dùng thủ đoạn để sống ‘ký sinh’ vào doanh nghiệp, đó là điều đáng buồn và đáng xấu hổ,” ông Tuấn nhận định.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhận được nhiều những phản ánh tiêu cực của doanh nghiệp về báo chí. Nhiều nhà báo đến doanh nghiệp ép ký quảng cáo, cơ quan báo chí tổ chức “đánh” doanh nghiệp để đàm phán quảng cáo, bới móc những sai phạm nhỏ nhặt của doanh nghiệp để đăng bài lên báo điện tử rồi làm giá… Thậm chí, có tình trạng doanh nghiệp mua chuộc, cấu kết với cơ quan báo chí để loại bỏ đối thủ…
“Một bộ phận cơ quan báo chí và các nhà báo đã tự đánh mất hình ảnh, uy tín của mình đối với xã hội và vi phạm pháp luật,” ông Tuấn thẳng thắn.
Ông Tuấn cũng cho biết đã yêu cầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí và nhà báo, xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nhà báo một cách nghiêm ngặt.
Về phần mình, bộ này sẽ làm rõ và xử lý nghiêm tình trạng nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cần hoạt động đúng luật, cung cấp thông tin trung thực cho báo chí và cạnh tranh lành mạnh. Khi có tình trạng nhũng nhiễu của báo chí, doanh nghiệp cần mạnh dạn phản ánh, tố cáo với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra lại quy trình xuất bản, nhất là quy trình xuất bản của báo điện tử. Việc xuất bản trên báo điện tử và dễ dàng rút nội dung theo quy trình của các toà soạn thường nảy sinh tiêu cực, chúng tôi sẽ bổ sung quy định và xử lý nghiêm,” ông Tuấn nói./.