“Ban soạn thảo chương trình không phải là đơn vị thẩm định sách nên không có liên quan lợi ích với việc viết sách giáo khoa. Vì vậy, thành viên ban soạn thảo chương trình có quyền viết sách giáo khoa,” Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định, nếu thành viên ban soạn thảo viết sách sẽ có nhiều thuận lợi, vì họ là người hiểu rõ chương trình môn học nhất.
Khác với chương trình hiện hành chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền phát hành, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có thể có rất nhiều sách giáo khoa. Sách giáo khoa có thể do nhiều tổ chức, cá nhân soạn, nhiều nhà xuất bản phát hành và chỉ là tài liệu dạy học không có tính pháp định.
[Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới bật mí về thay đổi môn học]
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với người viết sách giáo khoa. Sách sau khi viết phải được thông qua bởi một hội đồng thẩm định trước khi phát hành.
Để đảm bảo việc có sách giáo khoa cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc lựa chọn sách là quyền của các nhà trường, giáo viên, có tham khảo ý kiến học sinh và phụ huynh.
Trước nhiều băn khoăn về việc làm sao để sách giáo khoa mới không quá tải, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, do có nhiều sách nên việc có quá tải hay không sẽ là một yếu tố cạnh tranh giữa các tác giả. Nếu quá tải, sách sẽ không được chọn.
“Do có rất nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tham gia viết sách giáo khoa nên tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn cho người viết sách. Ban soạn thảo chương trình sẽ biên soạn tài liệu tập huấn. Việc tập huấn này nhằm giúp các tác giả hiểu và bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình môn học mới, không vượt quá và cũng không non hơn,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói./.