Thảo luận 2 dự án Luật và công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nêu rõ một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh gồm: công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim.

Tờ trình cũng nêu rõ một số vấn đề như cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận thấy các chính sách trong dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng; đề nghị nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

[Kỳ họp thứ 2: Thảo luận về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng]

Cơ quan soạn thảo Luật cũng cần làm rõ quản lý nhà nước về điện ảnh, thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng; trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện ảnh; sản xuất, phát hành và phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; và một số vấn đề khác.

Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với việc sửa đổi luật như Tờ trình và báo cáo thẩm tra nêu. Chủ tịch nước cũng đề nghị cần tạo dựng khung pháp lý cụ thể để khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia làm phim. Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

Trong phiên họp sáng, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 98 điều. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng;” sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài Nhà nước.

Đáng chú ý, dự án luật bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật; cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo luật.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tham gia thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác thi đua, khen thưởng hiện nay còn tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội.

Liên quan đến thủ tục và hồ sơ thi đua trong Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết trong thực tế theo dõi công tác này vừa qua cũng có vấn đề là có những người rất tâm huyết, cống hiến tốt cho sự phát triển của đất nước, của bộ, ngành nhưng khi được chọn, bình bầu làm người tiêu biểu, được khen thưởng, họ thấy khâu làm hồ sơ, thủ tục hiện nay còn rất nhiều thủ tục, từ đó ngại làm.

Theo đại biểu, để hồ sơ, thủ tục khen thưởng không trở thành rào cản với người được khen thưởng, đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo Luật rà soát thêm về việc tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ thi đua, khen thưởng.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo công tác thi hành án; báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Ngày mai, 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các nội dung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục