Thảo luận chuyên đề kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc

Phiên thảo luận chuyên đề kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ đánh giá thành tựu, thách thức với tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên của thế giới.
Quang cảnh phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 29/3, tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Ủy ban Thường trực về các Vấn đề Liên hợp quốc đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10/2014); Thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc.

Phiên họp do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực về các vấn đề Liên hợp quốc, ông El Hassan Al Amin điều hành.

Phiên thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc cung cấp đánh giá tổng quan về các thành tựu và thách thức đối với Liên hợp quốc sau 70 năm thành lập với vai trò là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên của thế giới.

Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung như trong tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, Liên hợp quốc cần gì để thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh của mình hiệu quả hơn. Mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương, ví dụ như G20; tác động của phương tiện truyền thông xã hội trong việc khuyến khích trao đổi trực tiếp xuyên quốc gia giữa các công dân. Những vấn đề còn tồn đọng của quá trình cải cách Hội đồng Bảo an với vai trò là một cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề trên thế giới.

Tại phiên thảo luận này, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung đã có bài phát biểu, kiến nghị Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ.

Tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên. Trong thời gian đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình cải tổ phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an kể cả trong quan hệ giữa cơ quan này với Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ các nỗ lực cải tổ các hoạt động phát triển của Liên hợp quốc và đang tích cực thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc” nhằm đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của quốc gia, phát huy vai trò làm chủ của Chính phủ và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển của Liên hợp quốc ở các nước.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực này. Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào Cơ chế Thương lượng liên Chính phủ về cải tổ Liên hợp quốc.

Cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế bắt đầu phiên họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10/2014); Bầu Ban lãnh đạo Ủy ban Thường trực.

Tại phiên họp này, Ủy ban cũng sẽ xem xét thông qua nghị quyết Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiệm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục