Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lần này đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thảo luận về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng tại dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể mà để văn bản pháp luật khác quy định.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng không mâu thuẫn với thẩm quyền quy định biên chế của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cùng với việc quy định các chức vụ có trần quân hàm cấp Tướng thì cần quy định số lượng có trần quân hàm cấp Tướng là cấp phó để bảo đảm ổn định số lượng cấp Tướng trong quân đội là cần thiết.
Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với phương án 1 của dự thảo luật quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng ngay trong Luật. Theo đại biểu việc quy định ngay trong Luật chứ không quy định giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này như phương án 2 sẽ góp phần giảm tải công việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, giảm thủ tục hành chính và cơ chế xin-cho.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định chính sách về nhà ở đối với sỹ quan để đảm bảo tính khả thi. Theo đó việc thực hiện quy định sỹ quan “được bảo đảm nhà ở” theo Luật hiện hành là khó khả thi, mặc dù những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện bố trí nhà ở, đất ở cho một số sỹ quan giúp ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Tuy nhiên, chính sách này chủ yếu chỉ áp dụng được đối với số lượng rất nhỏ sỹ quan tập trung ở thành phố lớn, trong khi đa số sỹ quan, nhất là ở đơn vị cơ sở không được hưởng chính sách này đã gây tâm tư trong cán bộ.
Mặt khác, Luật nhà ở và các văn bản pháp luật liên quan đã có quy định mới và mở rộng đối tượng được hưởng chính sách xã hội về nhà ở. Để chính sách về nhà ở đối với sỹ quan được khả thi, bảo đảm sự công bằng xã hội, dự thảo luật quy định: “sỹ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị điều chỉnh quy định này như sau: sỹ quan quân đội được luân chuyển được điều động đến công tác những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo theo yêu cầu nhiệm vụ thì bản thân gia đình được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở. Theo đại biểu quy định như thế này để ưu tiên cho những đối tượng thực sự khó khăn, thực sự theo yêu cầu công việc.
Về quy định trần quân hàm Trung tướng đối với hệ thống các nhà trường của quân đội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ việc quy định trần quân hàm của Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy học viện, trường sỹ quan cần căn cứ vào vị trí, vai trò, quy mô, trình độ, đối tượng đào tạo và tương quan với Học viện Quốc phòng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y; Hiệu trưởng, Chính ủy các trường: sỹ quan Lục quân I, sỹ quan Lục quân II, sỹ quan Chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quân đội nhân dân Việt Nam.
Vấn đề này đại biểu Ngô Ngọc Bình đồng tình với quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân và Học viện Chính trị là hai đơn vị đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn trở lên, là cơ sở nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự quan trọng của Bộ Quốc phòng.
Đại biểu đề nghị các Học viện, trường sỹ quan còn lại cần phải cân nhắc thêm. Theo đại biểu trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp vì đối tượng đào tạo, trình độ đào tạo thấp hơn so với Học viện Lục quân và Học viện Chính trị.
Thảo luận về cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an cấp tỉnh.
Qua thảo luận, đại biểu Ngô Ngọc Bình, Trương Minh Hoàng (Cà Mau) vẫn còn băn khoăn về quy định này. Theo đại biểu Ngô Ngọc Bình quy định trần quân hàm là Thiếu tướng mới hợp lý, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, thực hiện nguyên tắc cấp bậc quân hàm của cấp trưởng cấp trên phải cao hơn cấp trưởng cấp dưới…
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). /.