Thất bại của Tổng thống Trump trong ngăn dòng người di cư đổ về Mỹ

Hơn 2 năm kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, mỗi tháng lại có hàng chục nghìn người di cư, chủ yếu là tới từ Trung Mỹ, đã đi qua khu vực biên giới phía Nam của Mỹ để xin được tị nạn.
Thất bại của Tổng thống Trump trong ngăn dòng người di cư đổ về Mỹ ảnh 1Binh sỹ dựng hàng rào dây thép tại khu vực Rio Grande ở Laredo, biên giới Mỹ-Mexico, ngày 18/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 2 năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mỗi tháng lại có hàng chục nghìn người di cư, chủ yếu là tới từ Trung Mỹ, đã đi qua khu vực biên giới phía Nam của Mỹ để xin được tị nạn.

Tổng thống Trump muốn chính quyền Mỹ giữ lập trường cứng rắn, song những nỗ lực của ông lại liên tiếp gặp phải thất bại.

Chỉ riêng trong sáu tháng đầu kể từ sau khi Tổng thống Trump nắm quyền vào tháng 1/2017, lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đã bắt giữ khoảng 20.000 người nhập cư bất hợp pháp mỗi tháng, con số thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, con số lại không ngừng tăng lên.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 2/2019, số người bị bắt giữ đã lên tới 60.000 người/tháng và con số này trong tháng Ba có thể lên đến gần 10.000 người.

Đa số những người này là đến từ Guatemala, El Salvador và Honduras. Họ thường di chuyển từ Mexico tới biên giới Mỹ theo từng nhóm hơn 100 người. Một khi tới được biên giới, họ lập tức ra đầu thú trước nhà chức trách Mỹ và xin tị nạn với lý do nghèo đói và bạo lực nơi quê nhà.

Luật Mỹ và luật quốc tế quy định rằng nếu một người qua biên giới vào lãnh thổ nước này và đề nghị xin tị nạn, trường hợp của họ sẽ được một thẩm phán phụ trách về di cư xem xét. Điều này đồng nghĩa với việc người di cư có thể ở lại bên trong nước Mỹ cho đến khi vụ việc của họ được xem xét. Hiện các trường hợp xin tị nạn kiểu này đã lên tới 900.000 và thời gian đợi xem xét là khoảng hai năm. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, nhiều người đã biến mất.

[Phương án mới của chính quyền Trump đối phó với làn sóng di cư]

Trước tình hình này, Tổng thống Trump muốn triển khai những biện pháp mạnh tay song các hàng rào pháp lý và chính trị đã ngăn ông lại. Mới đây, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết ngăn chặn chính sách đưa trả người tị nạn về Mexico trong thời gian chờ giải quyết đơn xin tị nạn, cho rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã hành động vượt quá quyền hạn cho phép.

Trước đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu chi hàng tỷ USD để xây tường ở biên giới song đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ. Ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thể điều ngân sách từ các dự án quân sự sang xây tường biên giới, song đang đứng trước hàng loạt vụ kiện liên quan đến vấn đề này.

Tổng thống Mỹ cũng muốn Mexico ngăn người di cư, nhưng các biện pháp của Chính phủ Mexico lại có tác động hạn chế. Việc ông cảnh báo đóng cửa biên giới với Mexico khiến nhiều doanh nghiệp và chính trị gia cảnh báo rằng điều này sẽ làm tổn hại chính nền kinh tế Mỹ.

Nguyên nhân khiến những người di cư từ Guatemala, Honduras và El Salvador đổ về Mỹ là do tình trạng nghèo đói và bạo lực tại quê nhà. Mặc dù Mỹ cũng đã viện trợ hàng trăm triệu USD cho các nước này mỗi năm, song các khoản tiền này chỉ hỗ trợ được phần nào và những người di cư tới từ El Salvador thậm chí còn tăng mạnh trong những năm gần đây. Tình trạng này đã khiến Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cắt viện trợ cho ba quốc gia trên.

Mới đây nhất, việc Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen từ chức cho thấy đây là một thất bại nữa của Tổng thống Trump trong việc ngăn dòng người nhập cư trái phép.

Theo các nguồn tin, bà Nielsen đã từ chức sau khi phản đối ông Trump tìm cách khởi động lại chính sách chia tách trẻ em di cư khỏi gia đình để ngăn dòng người di cư tiến về biên giới. Chính sách này trước đó đã bị các tòa án Mỹ coi là bất hợp pháp và các nhà hoạt động quốc tế lên án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.