Theo báo mạng vzglyad.ru, lần đầu tiên kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2018 diễn ra tại Papua New Guinea kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.
Hơn thế nữa, cuộc xung đột giữa “Trung Quốc mở cửa cho thế giới” và “Toàn cầu hóa kiểu Mỹ” đã khiến APEC trở thành chiến trường dành riêng cho Bắc Kinh và Washington.
Cuộc xung đột này là khó tránh bởi APEC là một trong những diễn đàn để Mỹ và Trung Quốc "đụng độ", nơi hai bên đã liên tục đưa ra các chỉ trích lẫn nhau về vấn đề “chính sách thương mại không trung thực.”
Đại diện Trung Quốc tại APEC nhắc lại rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng mức thuế bổ sung 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Còn đại diện của Mỹ, nhắc đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã và sẽ áp đặt đối với Trung Quốc.
Kết quả là, cuộc “khẩu chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc không đáng vui nhưng không hề bất ngờ. Đầu tiên, có nguồn tin cho biết nhiều khó khăn đã xuất hiện trong việc thống nhất và thông qua tuyên bố chung của APEC 2018.
Sau đó, có tin cho biết APEC 2018 không ra được tuyên bố chung. Lãnh đạo Australia và Canada cố gắng “thêm đường vào thuốc.”
Thủ tướng Australia Scott Morrison nói: “Chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến hơn so với những gì cá nhân tôi mong đợi," còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh rằng "tôi không nghĩ việc chúng ta có tầm nhìn khác nhau là điều quá bất ngờ."
Tuy nhiên, các nhà quan sát kết luận rằng Washington và Bắc Kinh đã thể hiện “tầm nhìn khác nhau” đến mức sự tồn tại tiếp theo của định dạng APEC đang mất dần ý nghĩa. “Tất cả đều quy về sự không chấp nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc,” chuyên gia người Australia Rory Metcalfe nói.
[Papua New Guinea ra tuyên bố của Chủ tịch luân phiên APEC]
Fedor Lukianov, Giám đốc khoa học Quỹ phát triển và ủng hộ của Câu lạc bộ Valdai nói với vzglyad.ru: “Những gì diễn ra tại Hội nghị APEC lần này nói lên rằng đối với Mỹ, giá trị của tổ chức đa phương đã suy giảm mạnh, một phần do nước chủ nhà.
Việc chọn địa điểm tổ chức tại một nền kinh tế không có bất kỳ thông số nào thích hợp đã kết thúc bằng một thất bại.”
Ông Lukianov muốn nói đến trách nhiệm thực hiện "ngoại giao con thoi" của nước chủ nhà để đảm bảo cho văn kiện tổng kết được các bên tham gia hội nghị ký kết.
Nếu như tổ chức Hội nghị là một nền kinh tế “nặng ký hơn” và quan tâm nhiều hơn đến chính trị thế giới, hẳn đã có được được một tuyên bố chung mà trong đó lời lẽ, ngôn từ có thể ngụy trang được các xung đột và đối đầu thực tế.
Ông Lukianov nhận định: “Xung đột đã nảy sinh từ lâu trong nội bộ cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương. APEC là sản phẩm của thời kỳ khi tất cả các nền kinh tế thành viên còn tin tưởng vào toàn cầu hóa, trước hết là Trung Quốc.
Song định dạng khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ tung ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc giờ đây lại bị chính Mỹ coi là 'không thích hợp'."
Theo chuyên gia này, đó chính là lý do mối quan tâm của Mỹ với định dạng này giảm xuống. Ngược lại, giờ đây đường lối của Mỹ với Trung Quốc là đối đầu.
Ông nói: “Washington không che giấu điều đó. Phó Tổng thống Mike Pence đại diện cho chính quyền Trump tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ còn có thái độ gay gắt hơn với Trung Quốc so với chính cá nhân ông Trump.
Phó Tổng thống Pence được trao cho vai trò 'công tố viên dữ tợn.' Về phần mình, Trung Quốc cũng không sẵn sàng nhượng bộ Mỹ và cho rằng họ đã đủ sức mạnh để phải được lắng nghe, chứ không phải ngược lại."
Hành động của Nga thế nào?
Aleksander Rogozhin, Phó trưởng Ban kinh tế-xã hội, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bình luận: “Quy chế của APEC thường bị hiểu sai. Đây không phải là tổ chức khu vực, mà trước hết là diễn đàn cho đàm phán quốc tế và chỉ có thế.
Năm 2012, khi Nga tổ chức hội nghị, chúng tôi đã quan sát thấy thái độ hơi quá cường điệu tổ chức này. Đây là diễn đàn cần thiết, kiểm tra lại các sáng kiến, song giờ đây đang có sự khác biệt, và không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng có quan điểm riêng, các nước ASEAN cũng vậy. Gắn kết các quan điểm này rất khó, tổ chức càng lớn thì các đối tác càng khó thống nhất ý kiến của mình.”
Và khi xảy ra cho dù không phải là chiến tranh mà mới chỉ là “quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc phức tạp,” hành động cũng đã trở nên khó khăn hơn.
Ông Rogozhin cho rằng Nga có thể tiếp tục hoạt động ở diễn đàn này, song không nên gán cho nó ý nghĩa quá lớn.
Còn theo ông Lukianov, giờ đây, Mỹ rõ ràng không ngả về phía hành động tập thể tại các diễn đàn kiểu này, mà thiên về hành động đơn phương hoặc song phương.
Theo ông Rogozhin, Nga cũng chủ yếu là phát triển các quan hệ song phương. Ví dụ như cuộc gặp giữa Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh.
Hơn nữa, hiện vẫn có những "định dạng khác," mặc dù không có sự tham gia của Mỹ nhưng vẫn cho thấy rất hữu hiệu, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)./.