Thay đổi hình thức cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc ở Hà Nội

Nhiều năm qua, tại lễ hội Gióng đền Sóc ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng đánh nhau gây thương tích khi những người bảo vệ lễ phẩm cố giữ còn người dự hội lại cố tranh cướp lộc.
Nhiều thanh niên, trai tráng cố giành lấy phần lộc trầu cau để cầu mong một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe... (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Những năm gần đây, tại lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội), tục cướp lộc hoa tre gây phản cảm khi nhiều người xô đẩy, giẫm đạp thậm chí đánh nhau để tranh cướp lộc.

Năm nay, lễ hội Gióng sẽ có những thay đổi trong hình thức cướp lộc sau khi đã xong lễ nhằm hạn chế tối đa việc tranh cướp. Ban tổ chức khẳng định việc thay đổi hình thức cướp lộc sẽ không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội Gióng.

Thay đổi cách thức cướp lộc

Nghi lễ rước lộc và tục cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc là những hạng mục nằm trong hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

[Lễ hội chùa Hương 2018: ‘Không để tái diễn hình ảnh phản cảm']

Trong các mùa lễ hội trước, sau khi hai thôn Vệ Linh lễ Thánh giò hoa tre và thôn Đan Tảo lễ Thánh giò trầu cau ở đền Thượng, các thôn này tiếp tục rước lễ phẩm về đền Hạ và đền Mẫu để làm lễ.

Sau khi nghi thức này hoàn thành, người dân mới được cướp lộc. Tuy nhiên, thay vì tranh cướp lộc sau tiếng hô “tất lễ” ở đền Hạ và đền Mẫu, những người dự hội thường tranh cướp ngay khi lễ phẩm từ đền Thượng quay xuống đền Hạ và đền Mẫu, đỉnh điểm là sau khi hoàn thành nghi lễ ở hai đền.

Nhiều năm qua, tại lễ hội Gióng đã xảy ra tình trạng đánh nhau, gây thương tích khi những người bảo vệ lễ phẩm cố giữ còn người dự hội lại cố tranh cướp. Việc lợi dụng tục cướp lộc của những người tham dự lễ hội đã làm mất đi nét truyền thống vốn rất đẹp của hội Gióng có từ nhiều đời nay.

Trong mùa lễ hội 2018, huyện Sóc Sơn sẽ thay đổi hình thức cướp lộc, theo đó thôn Vệ Linh và thôn Đan Tảo không thực hiện rước giò hoa tre và trầu cau từ đền Thượng xuống đền Hạ và đền Mẫu như mọi năm. Giò lộc của hai thôn sẽ được làm nhỏ hơn để đưa vào trong đền Thượng, sau đó chia thành nhiều mâm để mang xuống đền Hạ và đền Mẫu, sau đó để mọi người cướp lộc.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn khẳng định: “Hội Gióng không bỏ tục cướp lộc mà chỉ thay đổi cách thức để hạn chế sự xô đẩy tranh cướp lộc."

[Không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực]

Lễ phẩm được chia thành nhiều mâm mang xuống lễ ở đền dưới sẽ tản bớt những người cướp lộc, không tập trung một nơi như trước nhằm hạn chế sự xô đẩy, tranh giành. Có nghĩa là bản sắc truyền thống của hội Gióng không bị ảnh hưởng, các nghi lễ và các tục vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi hình thức thực hiện.

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sóc cho biết năm 2018, Ban tổ chức quyết tâm thay đổi hình thức cướp lộc để không cần phải huy động lực lượng an ninh, bảo vệ quá lớn cho các đoàn rước lễ. Điều quan trọng hơn là cần thay đổi được nhận thức, tư duy của người dân khi đến dự hội Gióng đền Sóc, đến đây không phải để cướp lộc.

Bước đầu được đồng thuận

Phương án vẫn giữ nguyên các nghi lễ và các tục, chỉ thay đổi duy nhất cách thức cướp lộc trong hội Gióng được cộng đồng nhân dân các thôn làng trong vùng đồng thuận nhằm hạn chế những hình ảnh phản cảm tại lễ hội.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã có những đánh giá tích cực về phương án thay đổi, đồng thời cho rằng những nghi thức, những tục gây phản cảm xã hội cần phải điều chỉnh.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng những vấn đề không phù hợp ở lễ hội cần có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, tìm ra mô hình tốt nhất, vấn đề là thay đổi sao cho hợp lý không làm mất bản sắc văn hóa và được cộng đồng ủng hộ. Các giá trị văn hóa được bồi đắp những lớp văn hóa mới là điều có thể chấp thuận và lọc dần những thứ không phù hợp.

Nhiều thanh niên, trai tráng cố giành lấy phần lộc trầu cau. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sỹ Ngyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: “Nếu cộng đồng tham gia trong lễ hội Gióng ủng hộ cách thức cướp lộc do Ban tổ chức đưa ra năm nay thì chúng ta nên ủng hộ chủ trương đó. Bởi nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội là người dân làm lễ, rước lễ vật lên đền Thượng dâng Đức Thánh Gióng, bày tỏ niềm tôn kính với Đức Thánh vẫn được giữ gìn, còn cướp lộc là phái sinh sau khi nghi lễ dâng Thánh kết thúc."

Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã về tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết Sở đề nghị các địa phương khẩn trương lên phương án chuẩn bị để hoàn thành tốt việc tổ chức lễ hội, cam kết không để xảy ra những hiện tượng phản cảm trong lễ hội. Đối với lễ hội Gióng đền Sóc, một trong những lễ hội có điểm “nóng” với tục cướp lộc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo thực hiện nghi thức cướp lộc mang tính tượng trưng trong nội bộ, không tổ chức ở không gian rộng của lễ hội để tránh tình trạng phản cảm. Việc chia lộc không thực hiện tràn lan.

Hiện, huyện Sóc Sơn đang xin ý kiến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về phương án cướp lộc hoa tre và trầu cau tại lễ hội đền Sóc để chính thức thực hiện tại lễ hội năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục