Sự đa dạng sinh học của động vật hoang dã vốn được coi là một loại tài nguyên mang tính sống còn đối với sự tồn tại của Trái đất.
Mặc dù không thể biết một cách đầy đủ các loài trong hệ sinh thái tự nhiên có tác động qua lại lẫn nhau như thế nào, nhưng sự biến mất của một loài sinh vật hoặc động vật hoang dã chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người.
Hiện nay, tốc độ tuyệt chủng của các loài, nhất là động vật hoang dã qua mỗi năm lại tăng nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước kia.
Phần lớn các sinh vật đang dần bị đánh mất đi môi trường sống do các mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp từ con người như khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, gây ô nhiễm môi trường, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã...
Thậm chí, văn hóa sử dụng sản phẩm động vật hoang dã từ một bộ phận con người đang ngày càng tăng cũng gây áp lực lớn lên hệ sinh thái.
Việc khai thác không kiểm soát khiến nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, thúc đẩy gia tăng các bệnh dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng tỷ người.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra Việt Nam là một trong những khu vực về buôn bán, sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Thống kê chưa đầy đủ, hàng năm có tới 3.700 đến 4.500 tấn động vật hoang dã (không bao gồm các loài thủy sinh) được sử dụng để làm thức ăn, dược liệu hay sinh vật cảnh.
Trong nhóm các loài động vật hoang dã đang bị buôn bán bất hợp pháp qua lãnh thổ Việt Nam thì một số nhóm loài như tê tê, tê giác, voi được coi là đang bị buôn bán phố biến nhất.
Hành vi săn bắt, khai thác và buôn bán động vật hoang dã hiện đang là một thách thức mang tính toàn cầu chứ không của riêng bất cứ quốc gia nào.
[Động vật hoang dã dần tuyệt chủng khiến cuộc sống con người bị đe dọa]
Để bảo tồn các loài động vật hoang dã của Việt Nam, ngoài việc Chính phủ và các cơ quan chức năng triển khai thực thi pháp luật, hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương..., những hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về động vật hoang dã được kỳ vọng là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã còn hạn chế.
Trong thời gian qua, nhiều chiến dịch truyền thông được thực hiện bởi các tổ chức, các thông điệp nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ, bằng nhiều phương thức khác nhau, qua các phương tiện khác nhau và hướng đến các đối tượng khác nhau.
Đây là một điểm sáng cho hành trình thay đổi tư duy và hành vi của cộng đồng đối với vấn nạn này.
Điển hình, có thể kể đến Dự án “Phòng chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã” (USAID Saving Species) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, hướng đến kêu gọi cộng đồng doanh nhân chấm dứt thói quen tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, bảo tồn hệ sinh thái và cứu loài voi và tê tê đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Chính tư duy, lối tiêu dùng thiếu kiểm soát của con người cũng đang gây ra những tác động tiêu cực cho động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, con người cũng có thể là những tác nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho động vật hoang dã. Do đó, chỉ con người mới có thể ngăn chặn và quyết định dừng lại hành vi tiêu cực để bảo vệ các sự sống còn sót lại trong tự nhiên.
Mọi hành vi của con người có khả năng quyết định vận mệnh của hệ sinh thái và của chính mình trong tương lai.
Ngừng “săn đón” động vật hoang dã cho nhu cầu xa xỉ, chung tay thúc đẩy tái hoang dã không chỉ giúp lưu truyền các giá trị vô giá cho thế hệ về sau, mà còn có thể mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho hệ sinh thái tương lai./.