Ngày 21/4, tại thành phố Hải Phòng, theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng.
Phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp
Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, đánh giá cao trong quá trình soạn thảo đã kịp thời tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật; bên cạnh đó các đại biểu cũng quan tâm góp ý nhiều nội dung lớn của dự thảo Luật.
Trước đó, tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này.
[Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi có nhiều thay đổi so với ban đầu]
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều, tăng hơn 13 điều so với Luật Nhà ở năm 2014.
Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật.
Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu dành nhiều sự quan tâm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh bởi dù kế thừa luật hiện hành và có những nội dung bổ sung nhưng vẫn có những chồng lấn với một số luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) mà cả 3 dự án luật này đều trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến các nội dung lớn của dự thảo Luật như chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Liên quan đến chính sách về nhà ở xã hội được đề cập tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bà Đỗ Thị Việt Hà, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng cần làm rõ một số thuật ngữ trong điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội; đồng thời, mở rộng đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Từ quy định và nhất là từ thực tiễn, bà Đỗ Thị Việt Hà đề nghị bổ sung thêm đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp không chỉ trong khu công nghiệp mà trong các cụm công nghiệp. Bởi số lượng các cụm công nghiệp đã, đang và sẽ tăng lên.
Ví dụ như tại Bắc Giang, tính đến thời điểm hiện nay, cùng với 8 khu công nghiệp với khoảng hơn 180.000 công nhân lao động, có gần 60 cụm công nghiệp với gần 50.000 công nhân. Nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân trong cụm công nghiệp là rất lớn.
Về kinh phí bảo trì nhà chung cư khi xảy ra tranh chấp, Thường trực Ủy ban pháp luật cũng như nhiều đại biểu chưa tán thành với quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư và đề nghị chỉnh lý quy định này thành trách nhiệm của Tòa án nhân dân...
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp, đã tập trung vào những vấn đề lớn và toàn diện của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), là cơ sở để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần rà soát trình tự, thủ tục phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, bảo đảm rõ ràng về trách nhiệm, đặc biệt phải phân cấp dứt điểm để các bộ, ngành, địa phương rõ trách nhiệm, tránh tình trạng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền, kéo dài thủ tục thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế của các địa phương
Về thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết trong giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.
Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, thì việc Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 24 điều, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030; quy định khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp và các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030, trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp thì báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều hành nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết là cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo chủ trương của Đảng. Đây là nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền tại phiên họp vào tháng 5/2023 tới.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị.
Các đại biểu cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tán thành với tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Đảng, có sự kế thừa Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 và bổ sung nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan...
Ghi nhận ý kiến sâu sắc của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua thảo luận cho thấy các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và các bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ trong chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các ý kiến cơ bản tán thành trình dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, bên cạnh đó cũng lưu ý cần đánh giá làm rõ thêm tác động, việc khắc phục những bất cập triển khai trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước, những tác động về văn hóa, lịch sử khi tiếp tục sắp xếp.
Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ liên quan chủ động chuẩn bị báo cáo làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm, bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định./.