Năm 2014, thế giới đã chứng kiến quá nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn ở hầu hết mọi nơi. Câu hỏi sang năm 2015 tình hình thế giới sẽ như thế nào đã được đặt ra. Nhật báo Les Echos đăng bài tổng hợp ý kiến nhà báo và chuyên gia với dòng tựa đáng chú ý “Mười thách thức năm 2015 của cộng đồng quốc tế.”
Thách thức trước tiên đó là các nước mới nổi cần tìm ra những nhà lãnh đạo phù hợp với tình hình mới, tức là phải có tinh thần dấn thân, có trách nhiệm, có tâm huyết phát triển đất nước, phải là người có thể huy động, gắn kết tạo được niềm tin cho mọi người.
Thách thức thứ hai thuộc về lĩnh vực y tế: Thế giới có đủ sức để tận diệt Ebola hay không? Dịch bệnh này hiện tại đã làm thiệt mạng hơn 6.000 người và lây nhiễm hơn 16.000 người. Thế nhưng, nỗ lực vừa qua của cộng đồng quốc tế cho thấy con người đã phản ứng không đủ nhanh và thiếu tính tập thể.
Dịch bệnh vì thế đã vượt ra khỏi những khu vực truyền thống như rừng núi để lan đến thành thị, đã vượt ra khỏi ranh giới của châu Phi. Trong lúc các nước có liên quan thiếu phương tiện tài chính, và đặc biệt là chưa đủ “quyết tâm chính trị”. Bởi thế cuộc chiến chống Ebola cần phải được tiến hành một cách đa phương và tập thể.
Kế đến là hồ sơ khí hậu. Tờ báo dẫn lời chuyên gia tỏ ra sốt ruột và lo ngại cho Hội nghị về Biến đối khí hậu vào năm 2015 tại Paris. Dù hai nước gây ô nhiễm nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết hạn chế khí thải CO2 nhưng mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ ở 2°C rất khó thực hiện bởi nó đòi hỏi phải làm sao cho các chính sách phát triển kinh tế tương thích với mục đích này.
Liên quan đến Liên minh châu Âu, bài báo dẫn lời chuyên gia tập trung vào khủng hoảng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tăng trưởng khu vực này vẫn đang ì ạch, tình hình chưa có dấu hiệu lạc quan, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nợ công vẫn chồng chất.
Trong bối cảnh đó, thì chính sách thắt chặt chi tiêu công mà khu vực này đeo đuổi cần được thay thế bằng một chính sách khác để kích thích tăng trưởng. Tờ báo cho rằng trong tình hình hiện nay, “sự cẩn thận không phải là e dè mà phải là sự can đảm dám nghĩ dám làm.”
Một hồ sơ đáng chú khác của năm 2015 là vấn đề Ukraine và quan hệ giữa Nga và EU. Tờ báo dẫn lời chuyên gia nhấn mạnh tình trạng chia rẽ của các nước EU về hồ sơ Ukraine: Có nước thì tỏ ra quá cứng rắn với Nga, có nước thì muốn đối thoại.
Theo bài báo, các nước châu Âu cần hiểu rằng để giải quyết hồ sơ Ukraine cần có hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tự thân chính phủ Kiev phải xây dựng được một chính quyền ổn định, đủ mạnh, dân chủ và hiệu quả; thứ hai, đó là các nước châu Âu phải có tiếng nói chung và phải làm sao đạt được “mối hợp tác có đi có lại” với Nga.
Khủng bố cũng sẽ là một thách thức của năm 2015, bởi đến hiện tại, làn sóng khủng bố vẫn lan tràn với một mức độ nhanh chóng trên phạm vi thế giới. Các phương tiện Internet của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các tổ chức khủng bố mộ binh và tìm được nguồn ủng hộ tài chính.
Một hồ sơ nữa được quan tâm trong năm 2015 là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, từ kinh tế cho tới quân sự. Thế nhưng mối quan hệ này là không bền vững bởi vì quan hệ đối tác giữa hai bên có vẻ không cân đối. Nền kinh tế Nga còn nhiều thua thiệt so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu và một bên là một cường quốc có nguồn tài chính dồi dào và khát năng lượng. Bởi vậy, có một điều chắc chắn là trong cuộc chơi này, EU bị thua thiệt, các thị trường đã mất ở Nga khó lòng tìm lại được. Việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế dĩ nhiên có hại cho các nước phương Tây vốn là đối tác thương mại lớn của Nga.
Công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc cũng nằm trong 10 hồ sơ đáng quan tâm năm 2015 của Les Echos. Bài báo đặt câu hỏi: Không biết cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ đi tới đâu?
Đồng thời, bài báo nhấn mạnh đến quyết tâm chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến này, chiến dịch diệt “ruồi” và “cọp” của ông đã thu được nhiều kết quả được dư luận đánh giá cao: 56 quan chức thuộc hàng “cọp” và 18.000 quan chức địa phương thuộc hàng “ruồi” đã bị điều tra hoặc truy tố. Mục tiêu tiếp theo sẽ là gì?
Bài báo dẫn lời chuyên gia cho rằng đó sẽ là quân đội Trung Quốc. Thế nhưng, tác giả cũng cảnh báo là công cuộc này của ông Tập là “một cuộc chiến đầy rủi ro” bởi nó đụng chạm đến nhiều “nhóm lợi ích” và “bất khả xâm phạm."
Hồ sơ nổi cộm thứ mười của năm 2015 liên quan đến lĩnh vực dầu hỏa. Tờ báo dẫn lời chuyên gia đánh giá về việc giá dầu sụt giảm quá mạnh trong thời gian qua. Nạn nhân chính là những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu và hầu như ước định ngân sách dựa vào giá dầu như: các nước vùng Vịnh, Iran, Iraq, Venezuela, Nga, Kazakistan hay Nigeria.
Thế nhưng “kẻ thua hôm nay có thể là kẻ thắng của ngày mai," bài báo cho rằng những nước sản xuất dầu lớn, nếu đủ sức vượt qua được giai đoạn khó khăn này, sẽ thu được nhiều lợi ích sau khi giá dầu bình ổn trở lại./.