Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 16/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 207.946.089 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.374.253 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 186.402.886 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 637.561 ca tử vong trong tổng số 37.466.718 ca nhiễm.
Tiếp đó là Ấn Độ với 431.674 ca tử vong trong số 32.225.175 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 569.218 ca tử vong trong số 20.364.099 bệnh nhân.
[Số trẻ em nhập viện vì COVID-19 tăng cao kỷ lục tại Mỹ]
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong.
Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 42 triệu ca nhiễm.
Tiếp đến là châu Âu, có hơn 60,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 965.000 ca tử vong trong hơn 66 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 959.800 ca tử vong trong hơn 44,8 triệu ca nhiễm.
Châu Phi ghi nhận hơn 184.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.700 người.
Trong ngày 15/8, Iran ghi nhận 620 ca tử vong do COVID-19, con số thống kê cao nhất theo ngày tại nước này. Nước này cũng có thêm 36.736 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Iran, kể từ khi đại dịch bùng phát, nước này đã có 4.425.821 ca mắc COVID-19 và 97.828 trường hợp tử vong do đại dịch này. Các cơ quan y tế cũng thừa nhận rằng con số trên thực tế trên cả nước có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê.
Iran hiện đang nỗ lực kiểm soát làn sóng thứ 5 của đại dịch COVID-19, với số ca nhiễm chủ yếu do biến thể siêu lây nhiễm Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.
Hiện các văn phòng chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan không thiết yếu trên toàn quốc được lệnh đóng cửa từ ngày 16/8-21/8. Trong khi đó, các ôtô cũng bị cấm di chuyển liên tỉnh từ ngày 15/8-27/8.
Hiện hơn 15 triệu người ở Iran đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 4 triệu người đã được tiêm đủ liều.
Số ca mắc COVID-19 ở Canada tiếp tục tăng cao, với phần lớn các trường hợp nhiễm biến thể Delta.
Trong ngày 15/8, Ontario - tỉnh đông dân nhất ở Canada - đã báo cáo 511 trường hợp mắc mới COVID-19. Trong số các bệnh nhân này, có 350 trường hợp là người chưa được tiêm chủng, 67 trường hợp là người đã tiêm 1 mũi vaccine, và 94 trường hợp phát hiện ở những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, tỉnh Saskatchewan của Canada cũng ghi nhận 143 trường hợp mắc mới COVID-19, nâng số trường hợp mắc COVID-19 tại đây lên con số 1.043 bệnh nhân.
Theo giới chức Canada, chính phủ liên bang sẽ sớm yêu cầu tất cả những người làm việc trong lĩnh vực công hay các doanh nghiệp đều phải đi tiêm chủng.
Chile đã có thêm 904 ca mắc mới COVID-19 và 49 ca tử vong do căn bệnh này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh và ca tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.629.192 người và 36.380 người.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Chile, số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Nam Mỹ này trong 7 ngày qua đã giảm 10% và trong 14 ngày qua đã giảm 29%.
Trong khi đó, số người tử vong do COVID-19 tại Cuba đã vượt mốc 4.000 trường hợp trong ngày 15/8.
Giới chức y tế nước này cho biết quốc gia vùng Caribe đã ghi nhận 8.636 ca mắc mới và 98 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh tại đây lên 517.668 ca, trong khi con số tử vong là 4.023 người.
Thủ đô La Habana là nơi có số ca mắc mới cao nhất cả nước - với 1.071 ca, tiếp đó là Cienfuegos - 992 ca.
Cũng trong ngày 15/8, Bộ trưởng Lao động Serbia - bà Darija Kisic Tepavcevic thông báo các cơ quan y tế nước này đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đây.
Theo Bộ trưởng Kisic Tepavcevic, từ ngày 17/8, các cơ quan y tế Serbia sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu.
Bà Tepavcevic cho biết: “Những người dân đã được tiêm chủng ngừa COVID-19 ít nhất 6 tháng trước đây cũng có thể yêu cầu tiêm liều vaccine thứ 3,” song không nêu rõ loại vaccine sẽ được sử dụng.
Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 mới, với mức độ bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến thể Delta. Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người.
Serbia đến nay đã ghi nhận tổng cộng 732.044 ca COVID-19, trong đó có 7.167 người tử vong./.