Thế hệ lãnh đạo chaebol mới đứng trước kế hoạch thay đổi mô hình

Các nhà lãnh đạo chaebol thế hệ thứ ba cần thích nghi với môi trường kinh doanh mới bởi họ không thể điều hành doanh nghiệp của mình như cha, ông của họ đã làm trong những năm 1960 và 1970.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. (Nguồn: CNN)

Các gia đình sở hữu các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã vạch ra những kế hoạch công phu, để chuyển doanh nghiệp do gia đình điều hành và khối tài sản khổng lồ của họ sang các dòng dõi thế hệ thứ ba. Hàn Quốc có khá nhiều "chaebol" (các tập đoàn gia đình lớn), song quyền lực và giàu có nhất vẫn là "bộ tam" Hyundai, LG và Samsung.

Sau sự ra đi của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, mọi con mắt đang đổ dồn về việc con trai duy nhất của ông và là Phó Chủ tịch Samsung Electronics Co., ông Lee Jae-yong, 52 tuổi, sẽ phải trả hơn 10.000 tỷ won (8,85 tỷ USD) thuế thừa kế và chính thức nắm quyền điều hành tập đoàn có giá trị nhất quốc gia.

Doanh thu tổng thể của tập đoàn này chiếm khoảng 1/5 GDP của Hàn Quốc, chủ yếu là từ việc bán chip và thiết bị cầm tay.

Với sự thay đổi lãnh đạo ở Samsung, một thế hệ lãnh đạo chaebol mới lại một lần nữa được chú ý. Chung Sun-seop, Giám đốc điều hành của trang Chaebul.com chuyên theo dõi các tập đoàn đa quốc gia, nhận định cách ông Lee Jae-yong giải quyết vấn đề thừa kế và nắm quyền điều hành tập đoàn Samsung giữa những “lùm xùm” về pháp lý sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho các tập đoàn khác chuẩn bị kế vị quyền lực.

[Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78]

Chung Eui-sun, người thừa kế của Hyundai Motor Group, đã tiếp quản vị trí Chủ tịch tập đoàn vào đầu tháng này, thay thế cha mình, Chung Mong-koo, để thúc đẩy tầm nhìn của Hyundai trở thành nhà cung cấp giải pháp di chuyển trong tương lai. Đây là sự thay đổi thế hệ đầu tiên trong 20 năm tại tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc và là nhà sản xuất ôtô lớn thứ năm thế giới.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo cũng là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp mới ở độ tuổi ngoài 40. Người đàn ông 42 tuổi này thừa kế tập đoàn thứ tư Hàn Quốc từ cố Chủ tịch Koo Bon-moo vào tháng 6/2018.

Ông Lee Jae-yong, người sẽ kế nhiệm tập đoàn Samsung. (Nguồn: Bloomberg)

Tất cả quá trình chuyển giao quyền lực trên diễn ra vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo mới đối mặt với một kỷ nguyên mới đầy thách thức: đại dịch bùng phát, tranh chấp thương mại gia tăng và công nghệ mới phát triển nhanh chóng. Những nhà quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo chaebol thế hệ thứ ba nên thích nghi với môi trường kinh doanh mới bởi vì họ không thể điều hành doanh nghiệp của mình như những người cha và ông của họ đã làm trong những năm 1960 và 1970, khi nhiệm vụ tăng quy mô là ưu tiên hàng đầu.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế hệ thứ ba hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để tồn tại trong tương lai. Với tư cách là nhà lãnh đạo của doanh nghiệp sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, ông Jae-yong đã cam kết mở rộng đầu tư vào chip, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.

Trong khi đó, vào tháng Một, nhà lãnh đạo của Hyundai Motor Eui-sun cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 100.000 tỷ won trong 5 năm tới để mở rộng quy mô dòng xe EV và phát triển công nghệ tự lái.

Với nhận thức ngày càng cao của công chúng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các nhà quan sát trong ngành cho rằng ban lãnh đạo mới cũng sẽ phải thực hiện cải cách quản trị để tạo ra tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Ahn Sang-hee, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Daishin, nhận định sẽ mất một thời gian để Samsung thực hiện cải cách cơ cấu quản lý do các vấn đề liên quan đến thuế thừa kế và kế hoạch “kế vị.” Hyundai Motor cũng dự kiến sẽ sửa đổi cơ cấu điều hành để củng cố vị thế của chủ tịch mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục