Theo trang mạng thediplomat.com, trong thập kỷ qua, Hàn Quốc vẫn có thể duy trì một mối quan hệ tích cực - dù hạn chế - với Iran, bất chấp những căng thẳng về chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, các chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Iran hiện nay về cơ bản đã gây cản trở đến quan hệ thương mại của Hàn Quốc với Iran.
Việc mới đây Mỹ tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã làm gia tăng sự không chắc chắn ở Seoul về tác động của một cuộc đối đầu kéo dài hoặc thậm chí leo thang giữa Tehran và Washington.
Hàn Quốc vẫn duy trì các mối quan hệ với Iran, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, trong suốt các giai đoạn căng thẳng trước đó giữa Tehran và Washington.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran năm 2012 và loại nước này ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) vốn tạo điều kiện cho các giao dịch quốc tế, thương mại giữa Hàn Quốc và Iran đã suy giảm nhưng không dừng hẳn, bằng chứng là Hàn Quốc vẫn nhập khoảng 4% sản lượng dầu từ Iran cho đến năm 2015.
[Thương mại Hàn Quốc-Iran sụt giảm do Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt]
Do mối quan hệ song phương vẫn tiếp diễn, Hàn Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ bước đột phá ngoại giao của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà chính quyền Barack Obama đã ký với Iran năm 2015.
Trên thực tế, Seoul đã nhanh chóng ưu tiên xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Iran. Cựu Tổng thống Park Geun-hye đã đi thămTehran hồi tháng 5/2016, đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thực hiện một loạt dự án kinh tế từ đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến hợp tác y tế.
Quyết định của chính quyền Trump rút khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 và khôi phục các lệnh trừng phạt đã khiến cho quan hệ đang lên giữa Hàn Quốc và Iran bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù Hàn Quốc - cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp - đã nhận được sự miễn trừ của Mỹ và được phép tiếp tục giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, sự bất ổn trong động thái tiếp theo của Washington đã gây tổn hại cho các mối quan hệ ở khu vực này.
Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran trong năm 2018, chiếm 4,8% tổng sản lượng nhập khẩu dầu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi Mỹ quyết định không gia hạn miễn trừ trừng phạt cho các nước - bao gồm cả Hàn Quốc -hồi tháng 5/2019, Seoul đã ngừng nhập khẩu dầu của Iran.
Trong những tháng tiếp theo, Hàn Quốc đã chuyển sang các nguồn cung cấp khác, đáng chú ý nhất là Mỹ, và các nguồn cung cấp nhỏ hơn như Kazakhstan, để bù đắp cho sự mất mát nguồn nhập khẩu dầu của Iran.
Bởi vì Hàn Quốc có vài tháng để điều chỉnh sự mất mát nguồn nhập khẩu dầu từ Iran nên nước này có thể không bị ảnh hưởng kinh tế trực tiếp từ căng thẳng Mỹ-Iran. Thế nhưng, sự bất ổn vẫn làm lung lay thị trường thế giới, đẩy giá khí đốt ở Hàn Quốc lên cao và dẫn đến những lo ngại rằng leo thang căng thẳng Mỹ-Iran có thể tạo ra nhiều phản ứng dây chuyền hơn nữa.
Căng thẳng gia tăng trong khu vực cũng đã làm dấy lên những lo ngại kinh tế cho Hàn Quốc, ngoài dầu lửa. Các hợp đồng xây dựng và vận chuyển bị ảnh hưởng nặng nề bởi vì sự miễn trừ trừng phạt không được gia hạn, các công ty xây dựng Hàn Quốc đã phải rút ít nhất 2,5 tỷ USD trong các dự án chuẩn bị triển khai.
Xuất khẩu hàng hóa nhân đạo của Hàn Quốc như lương thực và thuốc men cho Iran cũng bị đình trệ trong những tháng gần đây. Có khả năng tác động từ các chính sách của Trump không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế.
Trước cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết Tướng Soleimani ở Iraq, Hải quân Hàn Quốc đã thảo luận về một kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng chống cướp biển bao gồm cả Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận tải biển quan trọng do Iran kiểm soát.
Giờ đây, những cuộc thảo luận này đã tạm ngừng để Hàn Quốc đánh giá tình hình trong khu vực. Các quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, có công dân và nhân viên ngoại giao ở Iran và Iraq cũng đang lên kế hoạch dự phòng để bảo vệ hoặc sơ tán công dân của họ nếu căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng.
Cho dù có thể duy trì, thậm chí là phát triển quan hệ với Iran trong thập kỷ qua, Hàn Quốc hiện bị mắc kẹt khi Mỹ tiếp tục tăng cường các chính sách cứng rắn đối với Tehran.
Khi khu vực này vật lộn với bất ổn do những tác động từ cái chết của Soleimani, Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục cố gắng làm việc với Mỹ, đồng minh chủ chốt của nước này, nhưng cũng không hoàn toàn từ bỏ mối quan hệ khó khăn với Iran./.