Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) vừa đóng điện thành công đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku 2; đường dây 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch và Quảng Trạch-Dốc Sỏi cũng dự kiến đóng điện vào cuối năm nay.
Như vậy, việc đóng điện công trình trọng điểm Quốc gia đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 3 trong năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), góp phần khắc phục nguy cơ sự cố trên các đường dây truyền tải Bắc-Trung.
Từ đó, đảm bảo an toàn cung cấp điện và giảm chi phí vận hành chung của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, tạo điều kiện vận hành kinh tế hệ thống điện sau năm 2025.
CPMB cho biết, Dự án đường dây 500kV mạch 3, gồm các đường dây 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi và Dốc Sỏi-Pleiku 2 được xây dựng với mục tiêu tăng năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện Quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung-cầu nội vùng và tối ưu hóa sản xuất-truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện Quốc gia.
Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào danh mục các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
[Nghiệm thu, đóng điện đường dây 500kV mạch 3 đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2]
Dự án có quy mô gần 742km đường dây 500kV mạch kép với 1.606 vị trí móng cột, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Dự án cũng xây mới 8 ngăn lộ 500kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Giám đốc CPMB, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, trong quá trình thi công, dự án gặp nhiều khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát thứ 2 mà tâm điểm là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực đang triển khai dự án khiến cán bộ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của CPMB, các nhà thầu xây lắp phải cách ly, giãn cách theo quy định.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển vật tư thiết bị, chuyển quân và bố trí lực lượng của các nhà thầu xây lắp... cũng gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc làm cho nhiều nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị bị chậm tiến độ giao hàng, không bố trí được chuyên gia giám sát lắp đặt. Ngoài ra, tình hình mưa lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung trong những năm gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, trên cơ sở Tổng tiến độ dự án, EVNNPT đã chỉ đạo CPMB lập tiến độ điều hành chi tiết đối với từng nội dung công việc từ bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp... để điều hành, giám sát, đôn đốc theo tiến độ thực hiện.
CPMB và các nhà thầu xây lắp thành lập các Ban điều hành, Ban tiền phương để trực tiếp điều hành, giải quyết các nội dung có liên quan tại công trường.
CPMB cũng tăng cường cán bộ kịp thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để sớm hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến, phối hợp các bên liên quan để xử lý các vướng mắc trong quá trình thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Cùng với việc yêu cầu các nhà thầu xây lắp bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện thi công để đảm bảo triển khai thi công ngay đồng loạt các hạng mục sau khi có mặt bằng, các nhà thầu còn chủ động tăng cường cán bộ để phối hợp cùng CPMB, địa phương vận động, xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công.
Riêng đơn vị Tư vấn giám sát bố trí đủ lực lượng để giám sát, nghiệm thu các vị trí móng, đường dây kịp thời./.