Thêm nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ

Virus Zika xâm nhập vào các tế bào gốc thần kinh của phôi thai, sau đó lây lan và hủy hoại hầu hết tất cả các tế bào thần kinh của con chuột được cấy virus.
Thêm nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ ảnh 1Một trẻ nhỏ bị mắc bệnh teo não do virus Zika gần Recife, thủ phủ Pernambuco, miền Đông Bắc Brazil. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nhà khoa học mới đây đã công bố 3 công trình nghiên cứu mới trong đó chỉ ra những bằng chứng cho thấy virus Zika - loại virus lây truyền từ muỗi - liên quan trực tiếp đến bệnh đầu nhỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.

Trong một công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Cell Stem Cell của Mỹ số ra ngày 11/5, các nhà khoa học đến từ Trung Quốc cho biết sau khi tiến hành cấy trực tiếp virus Zika vào phôi thai của những con chuột thí nghiệm, họ phát hiện rằng virus này ngay từ đầu đã chủ yếu xâm nhập vào các tế bào gốc thần kinh của phôi thai, sau đó lây lan và hủy hoại hầu hết tất cả các tế bào thần kinh mới sau 5 ngày bị nhiễm.

Kết quả cũng cho thấy nhiều bào thai của chuột không thể tồn tại cho đến ngày thứ 13,5 của quá trình mang thai thông thường kéo dài khoảng 20 ngày ở loài động vật này.

So với thai kỳ dài hơn 9 tháng ở người, 13,5 ngày ở chuột tương đương với thời điểm các tế bào gốc thần kinh đang phát triển mạnh và sản sinh nhiều tế bào thần kinh mới ở thai nhi.

Đối với những bào thai có thể tồn tại đến kỳ sinh nở, các nhà khoa học cho biết những con chuột con sinh ra lại rất yếu và đều bị mẹ chúng ăn thịt. Do đó, họ tiến hành mổ chuột mẹ vào ngày 18,5 của thai kỳ và nhận thấy rằng đầu của những con chuột con nhỏ hơn 1/3 so với bình thường.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng đây mới chỉ là thí nghiệm trên chuột và cần phải đánh giá kết quả này thận trọng khi xem xét đối với các bệnh do virus Zika gây ra ở trên người.

Trong công trình nghiên cứu thứ 2 đăng trên tạp chí Nature của Anh, các thí nghiệm ở chuột do các nhà khoa học đến từ Đại học California cùng các đồng nghiệp Brazil và Senegal tiến hành cho thấy virus Zika lây nhiễm qua máu của chuột mẹ, sau đó nhân bản trong nhau thai và xâm nhập vào não bộ của bào thai, từ đó kìm hãm sự phát triển và có thể gây thai chết lưu.

Nghiên cứu cho thấy virus Zika đặc biệt "thích" tấn công nhau thai khi lượng virus được tìm thấy ở bộ phận được xem là hàng rào bảo vệ giữa mẹ và bào thai này cao hơn 1.000 lần so với trong máu của chuột mẹ. Do đó, virus này có thể hủy hoại nhau thai, đồng thời xâm nhập vào bào thai.

Trong nghiên cứu thứ 3 đăng trên tạp chí Cell Stem Cell, các nhà nghiên cứu đã cấy mẫu virus Zika lên những con chuột.

Một lần nữa, kết quả cho thấy virus nguy hiểm này đã xâm nhập từ nhau thai sang bào thai, đồng thời hủy hoại các tế bào thần kinh của bào thai.

Được phát hiện đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và châu Mỹ Latinh, trở thành đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay.

Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Virus zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.

Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị loại virus này.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không có các biện pháp quyết liệt, con số bệnh nhân nhiễm Zika tại châu Mỹ có thể lên tới mức 500 triệu người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ tháng Hai, đồng thời khẳng định có sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng khoa học rằng virus trên có liên quan chặt chẽ tới chứng rối loạn tự miễn dịch (hay còn gọi là hội chứng Guillain - Barré), và đặc biệt là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có thể gây ra nhiều khó khăn cho quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục