Thêm nhiều vùng của Afghanistan rơi vào tay phiến quân Taliban

Giới chức Afghanistan cho biết Taliban đã chiếm giữ thành phố Faizabad - thủ phủ tỉnh Badakhsan ở miền Bắc, và đây là thủ phủ tỉnh thứ chín rơi vào tay Taliban trong vòng chưa đầy một tuần.
Thêm nhiều vùng của Afghanistan rơi vào tay phiến quân Taliban ảnh 1Các tay súng Taliban tại Jalalabad, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã đẩy mạnh các cuộc tấn công và đang đạt được những bước tiến nhanh chóng trên thực địa.

Trong thông báo đưa ra sáng 11/8, giới chức Afghanistan cho biết Taliban đã chiếm giữ thành phố Faizabad - thủ phủ tỉnh Badakhsan ở miền Bắc. Đây là thủ phủ tỉnh thứ chín rơi vào tay Taliban trong vòng chưa đầy một tuần.

Riêng trong ngày 10/8, Taliban đã chiếm giữ thêm hai thành phố của Afghanistan, trong đó có thành phố Pul-e-Khumri - thủ phủ tỉnh Baghlan, chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 200km, trong khi hàng nghìn người ở miền Bắc nước này đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi đó, các lực lượng chính phủ Afghanistan vẫn đang giao tranh với Taliban tại Kandahar, Helmand và một số tỉnh ở miền Nam.

Dù tình trạng bạo lực tại Afghanistan đang ngày một gia tăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc hoãn thời hạn rút toàn bộ binh lính nước này về nước vào ngày 31/8.

Phát biểu với báo giới tại Washington, Tổng thống Biden khẳng định ông không cảm thấy hối tiếc về quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ đưa quân đến quốc gia Tây Nam Á này.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan đoàn kết và chiến đấu chống lại Taliban, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan lương thực, thiết bị, tiền, cùng các cuộc không kích.

[Phiến quân Taliban siết chặt kiểm soát miền Bắc Afghanistan]

Theo giới phân tích, việc để sáu thủ phủ tỉnh ở miền Bắc rơi vào tay Taliban, trong khi lực lượng này vẫn đang đẩy mạnh tấn công Mazar-i-Sharif - thành phố lớn nhất trong khu vực, là dấu hiệu cho thấy sự thất bại hoàn toàn của chính phủ trong việc kiểm soát khu vực miền Bắc vốn có lịch sử chống lại lực lượng Taliban.

Trong bối cảnh giao tranh ngày một gia tăng, hàng nghìn người đã phải sơ tán ngay trong Afghanistan. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết hơn 359.000 người dân Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2021.

Trong khi đó, sáu quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Áo, đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu tiếp tục trục xuất người di cư Afghanistan, dù Kabul đã kêu gọi các nước châu Âu tạm dừng động thái trên trong ba tháng tới.

Trong thư, sáu nước trên kêu gọi Ủy ban châu Âu tham gia đối thoại tăng cường với các đối tác Afghanistan về tất cả vấn đề di cư khẩn cấp, trong đó có hợp tác nhanh chóng và hiệu quả việc hồi hương người di cư. Lý do mà các nước này đưa ra là việc ngừng hồi hương sẽ phát đi một tín hiệu sai lầm và có thể thúc đẩy nhiều công dân Afghanistan rời bỏ nhà cửa để đến EU.

Thêm nhiều vùng của Afghanistan rơi vào tay phiến quân Taliban ảnh 2Người dân Afghanistan chạy khỏi các khu vực chiến sự ở tỉnh Kunduz và Takhar ngày 10/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, một quan chức EU cho rằng vì Afghanistan đã lên tiếng đề nghị, nên rất ít khả năng khối này sẽ duy trì việc trục xuất người di cư. Tính đến nay, EU đã trao trả cho Afghanistan 1.200 người, trong đó 1.000 người là "tự nguyện" và 200 người "bị ép buộc."

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2020, người Afghanistan chiếm 10,6% tổng số người xin tị nạn ở EU vào năm 2020, đứng thứ hai sau người Syria (15,2%).

Trong khi đó, từ Geneva, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cảnh báo xung đột có thể đẩy Afghanistan rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác, đồng thời hối thúc các bên quay trở lại bàn đàm phán và đi đến một giải pháp hòa bình.

Trước tình hình trên, Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad đã tới Qatar để thuyết phục Taliban chấp nhận ngừng bắn. Dự kiến, các phái viên của Qatar, Anh, Trung Quốc, Pakistan, Uzbekistan, Liên hợp quốc và EU sẽ thảo luận tình hình hiện nay tại Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.