Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một trong những cam kết của mình trong dịch vận động tranh cử năm ngoái khi tuyên bố bãi bỏ một phần chính sách với Cuba từ thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Động thái này được coi là bước đi ngược lại xu thế phát triển tích cực của quan hệ song phương thời gian qua và phần nào phủ bóng đen lên triển vọng quan hệ hai nước thời gian tới.
Có thể khẳng định rằng quan hệ Mỹ-Cuba đã có những bước tiến dài sau tuyên bố lịch sử của ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 17/12/2014. Washington đã thực thi một loạt biện pháp nhằm tiến tới dỡ bỏ những hạn chế đối với “đảo quốc tự do,” trong đó phải kể đến việc chính thức mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước, nới lỏng hạn chế về đi lại và thương mại giữa hai bên.
Những bước đi này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.
[Nhiều đề nghị ông Trump tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Cuba]
Theo số liệu thống kê chính thức, chỉ một năm sau ngày hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng đột biến. Washington và La Habana cũng đã ký tới 20 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải, viễn thông và nông nghiệp... và 5 thỏa thuận trong số đó được ký kết trong vòng chưa đầy một tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Việc La Habana và Washington hoàn tất và ký kết nhiều thỏa thuận song phương ngay sau thời điểm ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016 là minh chứng rõ ràng về những lợi ích mà chính sách cải thiện quan hệ mang lại cho cả hai nước cũng như thông điệp của cựu Tổng thống Obama mong muốn người kế nhiệm tiếp tục thúc đẩy chính sách này.
Về cơ bản, chính sách mới của ông Trump vẫn giữ nguyên các nội dung trong chính sách của người tiền nhiệm, như duy trì các tuyến đường vận tải đường biển và hàng không giữa hai nước, người dân Mỹ sẽ được phép mang đồ lưu niệm về nhà như rượu rum và xì gà, song việc di chuyển tới đảo quốc này sẽ trở nên khó khăn hơn do các công dân Mỹ buộc phải đi theo nhóm và tuân theo những quy định nghiêm ngặt hơn.
Quan hệ ngoại giao không bị ảnh hưởng, song Tổng thống Trump sẽ không bổ nhiệm đại sứ tới La Habana.
Một điểm quan trọng khác gây nhiều lo ngại là Washington cấm toàn bộ các giao dịch tài chính với những doanh nghiệp có liên quan tới quân đội.
Việc thực hiện một chính sách cứng rắn hơn với Cuba là một trong những lời hứa tranh cử của ông Trump nhằm tranh thủ lá phiếu của một bộ phận cử tri vốn giữ cái nhìn phiến diện và thiếu thiện chí đối với quốc đảo Caribe.
Vì thế, quyết định mới của ông chủ Nhà Trắng đã ít nhiều "dội gáo nước lạnh" lên những nỗ lực và kết quả "hâm nóng" mối quan hệ hai nước dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ và chủ doanh nghiệp Mỹ cho rằng bước đi này sẽ làm tổn hại đến chính việc làm và hoạt động kinh doanh của nước Mỹ. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng “nạn nhân” chịu ảnh hưởng lớn nhất của quyết định mà chính quyền Trump đưa ra chính là người dân Cuba.
Chuyên gia Michael Shifter, hiện làm việc cho tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Liên châu Mỹ ở Washington, nhận định: “Tác động đối với các doanh nghiệp Mỹ sẽ không lớn. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế Cuba, trong đó có khu vực tư nhân, thay đổi này là một thiệt hại vô cùng lớn.”
[Một hải cảng của Mỹ hủy lễ ký hợp đồng với đối tác Cuba]
Pavel Vidal, một nhà kinh tế người Cuba, hiện đang làm việc tại Đại học Pontifical Xaverian ở Colombia, cũng cho rằng: “Các biện pháp mới sẽ tác động tới các nguồn thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế Cuba là du lịch và doanh nghiệp tư nhân. Các công ty thuộc sự kiểm soát của quân đội có vai trò quyết định trong việc vận hành các dịch vụ du lịch. Nếu chặn đứng nguồn đầu tư nước ngoài và khả năng thanh toán quốc tế của họ, nền kinh tế Cuba sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Tuyên bố của Tổng thống Trump về sự đảo chiều trong chính sách với Cuba cũng sẽ kích động những người cho rằng bản chất và mưu đồ của Mỹ đối với Cuba đã lộ rõ và cho thấy sự lo lắng của họ về Washington là hoàn toàn có lý.
Bài phát biểu của ông Trump trước những người Mỹ gốc Cuba tại Miama cũng khiến những lực lượng ôn hòa đang hợp tác cùng những người Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ song phương cảm thấy thất vọng.
Nhà xã hội học Angel Rodrigue nhận định: “Ông Trump đang trở thành kẻ thù mới của những nhà kinh doanh độc lập, dù rằng ông ấy nói muốn giúp đỡ họ. Chính sách này sẽ khiến các doanh nghiệp tư nhân trở thành cái gai trong mắt chính quyền và gặp nhiều bất lợi.”
Chính quyền Cuba đã có những phản ứng tuy gay gắt, nhưng vẫn rất thận trọng và kiềm chế trước quyết định của ông chủ Nhà Trắng. La Habana nhắc lại lập trường sẵn sàng đối thoại một cách thận trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ.
Thông cáo khẳng định Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng “họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và ủng hộ những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước.”
Tuy nhiên, Cuba cũng cảnh báo Mỹ “không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy.”
Quyết định của ông Trump đã cho thấy rõ sự khác biệt về quan điểm và chính sách đối với Cuba so với người tiền nhiệm.
Trong khi cựu Tổng thống Obama muốn "chôn vùi tàn tích cuối cùng của Chiến tranh Lạnh" và "bỏ lại phía sau cuộc chiến ý thức hệ trong quá khứ," thì Tổng thống Trump dường như đang tìm cách “làm sống lại” những bất đồng đó và đi theo một chiến lược đã được chứng minh là thất bại trong quá khứ.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhận định, bước đi của chính quyền mới tại Mỹ sẽ làm suy yếu các mục tiêu của ông Trump đã đặt ra, kéo Cuba tiến gần hơn trong mối quan hệ với các quốc gia đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ như Nga hay Trung Quốc.
Có thể khẳng định rằng việc ông Trump quay trở lại phần nào với chính sách cô lập Cuba là một bước đi sai lầm, đi ngược lại con đường bình thường hóa quan hệ đã và đang mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều đó sẽ khiến quan hệ Mỹ-Cuba gặp không ít trở ngại trong thời gian tới./.