Theo sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên lưu vực sông Mekong

Hiện nay lưu vực sông Mekong của Việt Nam, bao gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức trong quá trình phát triển bền vững.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Tại hội nghị toàn thể lần thứ hai năm 2019 của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tổ chức ngày 3/12, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), các đại biểu đã nghe các chuyên gia trình bày về chiến lược sử dụng nước của Thái Lan và một số quốc gia trong khu vực; tình hình tham vấn Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang của Lào và phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Các đại biểu tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, đặc biệt trong chủ trương, định hướng giải quyết các vấn đề sông Mekong, Việt Nam cần phải có giải pháp toàn diện, nhất là cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam.

Các đại biểu đã nêu những ý kiến về việc phát triển kinh tế-xã hội trên dòng chính của sông Mekong bị ảnh hưởng do những tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố.

Theo báo cáo, hiện nay lưu vực sông Mekong của Việt Nam, bao gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức trong quá trình phát triển bền vững do tác động từ biến đổi khí hậu; suy giảm diện tích rừng đầu nguồn; việc xây dựng các đập thủy điện; các công trình ngăn dòng chảy chính và chuyển nước ở các quốc gia thượng nguồn...

[Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mekong Việt Nam lần thứ nhất]

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định thời gian tới Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ thông tin kịp thời các cảnh báo về xu thế, tình hình khí hậu, thời tiết tác động tới hệ thống sông Mekong đến các tỉnh, thành phố có liên quan.

Cơ quan này sẽ tăng cường đối ngoại, tham vấn với các nước để giảm thấp nhất các tác động đến sông Mekong.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng các tỉnh nằm trong khu vực sông Mekong cần tập trung phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng đề án tổng thể về tình trạng sạt lở trên toàn hệ thống để có giải pháp căn cơ hơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2019, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tham gia quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trong các quy hoạch tài nguyên nước và các dự án đầu tư lớn...

Cùng với đó, Ủy ban hoàn thành việc đàm phán xây dựng Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam-Campuchia theo biên bản của Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia.

Ngoài ra, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng triển khai thành lập một số nhóm chuyên gia, huy động sự tham gia sâu rộng của tất cả các bên có liên quan trong các hoạt động trong nước và quốc tế…

Năm 2020, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tiếp tục theo sát diễn biến trong lưu vực, tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mekong; triển khai các hoạt động tham vấn và đánh giá tác động, kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Ủy ban sông Mekong Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế, cơ chế chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mekong và vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên tổ chức thực hiện kết quả Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế tại Siem Reap (Campuchia) diễn ra từ tháng 4/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục