Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ tiếp tục tăng

Với việc Việt Nam là nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đang ngày càng có thêm sự ủng hộ, "nhiều đơn hàng và đầu tư sẽ chuyển đến Việt Nam."
Một dây chuyền may hàng xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam năm nay tiếp tục tăng thị phần hàng dệt may ở thị trường Mỹ, dẫn đến dự báo xuất khẩu dệt may của các nước Trung Mỹ sẽ chậm lại, buộc các nước này phải tính đến những chiến lược cạnh tranh mới.

Năm 2015, Việt Nam đã vượt qua doanh số của Trung Mỹ về xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 11,48% so với mức 11,26% của tất cả các nước Trung Mỹ cộng lại.

Năm trước đó, Việt Nam chiếm thị phần 10,73%, trong khi Trung Mỹ chiếm 11,67%.

Bà Karin de Leon, Giám đốc điều hành của Cecate - một hội đồng vận động hành lang về dệt may của Trung Mỹ - nhận định với việc Việt Nam là nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đang ngày càng có thêm sự ủng hộ, "nhiều đơn hàng và đầu tư sẽ chuyển đến Việt Nam."

Bà Karin nêu rõ theo TPP, Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, và đi theo một lộ trình giảm thuế kéo dài cả một thập kỷ, song Việt Nam cũng được hưởng Chương trình Trợ cấp nhập khẩu (IPA) của Mỹ và các quy định mềm dẻo hơn về cung ứng những mặt hàng khan hiếm, mà các nước Trung Mỹ không có sự ưu đãi tương tự.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn mà không phải chịu thuế quan. Vì các điều kiện như vậy, bà Karin dự báo Trung Mỹ sẽ tổn thất hàng tỷ USD.

Giám đốc điều hành của Cecate cho biết trước tình hình này, các nước Trung Mỹ đang gấp rút xây dựng một chiến lược với mục tiêu đẩy mạnh năng lực cạnh tranh về hàng thời trang chuyên biệt và tận dụng khoảng cách địa lý gần Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục