“Nếu em đăng ký xét tuyển ở nguyện vọng một thì có được ưu tiên xét tuyển so với những bạn khác đăng ký ngành học đó theo nguyện vọng hai, ba, bốn hay không? Em đăng ký một ngành ở nguyện vọng 4 thì có bị phân biệt khi xét tuyển với các bạn khác không?”
Giáo sư Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho biết đó là một trong những câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất trong những ngày tích cực túc trực tại điểm tiếp đón thí sinh của trường để tư vấn.
Rối các nguyện vọng
Các năm trước, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, trong đó các trường sẽ ưu tiên xét tuyển nguyện vọng một. Sau khi xét các thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng một, nếu thiếu chỉ tiêu, các trường mới xét đến các thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng hai, ba).
Năm nay vẫn có xét tuyển nguyện vọng một và các nguyện vọng bổ sung. Các trường vẫn lấy điểm trúng tuyển chủ yếu ở nguyện vọng một và nếu thiếu chỉ tiêu, sẽ tuyển tiếp ở các đợt nguyện vọng bổ sung. Thậm chí năm nay sẽ còn có đến 4 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, kéo dài đến hết 20/11.
Tuy nhiên, có điểm khác biệt là năm nay, ở mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng, thí sinh lại có thể đăng ký đến bốn ngành khác nhau trong cùng một trường thay vì chỉ được đăng ký một ngành như mọi năm. Bốn ngành này thí sinh sẽ xếp thứ tự ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng từ một đến bốn.
Vì thế, trong đợt xét tuyển nguyện vọng một, mỗi thí sinh lại có bốn nguyện vọng từ một đến bốn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ tự ưu tiên của bốn nguyện vọng này chỉ có giá trị ưu tiên với thí sinh. Cụ thể, trường sẽ xét trúng tuyển cho thí sinh ở ngành đăng ký nguyện vọng một trước, nếu không trúng tuyển sẽ xét tiếp ở nguyện vọng hai, đến nguyện vọng ba, bốn.
Nhưng với các thí sinh xét tuyển trong cùng một ngành thì không có ưu tiên giữa các nguyện vọng mà cạnh tranh công bằng theo điểm số. Dù đăng ký theo nguyện vọng một hay nguyện vọng bốn, thí sinh nào điểm cao hơn sẽ xếp vị trí cao hơn.
Thí sinh, phụ huynh lúng túng
Cách chia các nguyện vọng trong nguyện vọng của Bộ khiến khá nhiều thí sinh, phụ huynh và thậm chí cả cán bộ tuyển sinh lúng túng, không nắm rõ được quy định này.
Tại điểm tiếp đón thí sinh của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cũng có khá nhiều thí sinh đến để thay đổi nguyện vọng ưu tiên.
Thí sinh Phạm Minh Công (ở Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết, em đăng ký nguyện vọng một ngành Công nghệ thông tin, nguyện vọng hai ngành Công nghệ đa phương tiện, nguyện vọng ba ngành Kỹ thuật điện tử và truyền thông, nguyện vọng bốn ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử.
Tuy nhiên, do khá đông thí sinh có điểm cao hơn đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ đa phương tiện nên Công lo em sẽ không đỗ được vào hai ngành này.
Lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội, Công đến tận trường để đăng ký đổi vị trí các nguyện vọng, đưa nguyện vọng số ba lên nguyện vọng một, nguyện vọng bốn lên nguyện vọng hai, chuyển nguyện vọng một và hai ban đầu xuống vị trí nguyện vọng ba, bốn.
Tiếp đón Công là các sinh viên tình nguyện của Học viện. Công được hướng dẫn làm thủ tục rút hồ sơ, sau đó lại làm thủ tục nộp hồ sơ vào trường theo danh sách thứ tự mới của các nguyện vọng.
Cẩn thận hơn, Công đến hỏi các cán bộ tuyển sinh của trường nhưng cũng được các cán bộ này hướng dẫn làm thủ tục rút, nộp hồ sơ như trên.
“Em không biết là các nguyện vọng xét tuyển có giá trị tương đương nhau và vẫn được các thầy cô hướng dẫn làm thủ tục rút, nộp lại từ đầu. Nếu thực sự các nguyện vọng có giá trị tương đương thì em đã phí công đi từ Nam Định lên Hà Nội, mất công làm thủ tục rút, nộp hồ sơ,” Công chia sẻ.
Trường hợp của Công không phải là cá biệt. Là người trực tiếp túc trực tư vấn cho thí sinh trong nhiều ngày qua, giáo sư Trịnh Minh Thụ, Hiệu phó Đại học Thủy lợi cho biết, thắc mắc về vấn đều ưu tiên của các nguyện vọng là một trong những câu hỏi ông nhận được nhiều nhất từ thí sinh và phụ huynh, đặc biệt là các thí sinh, phụ huynh ngoại tỉnh, ít có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thông tin.
Các em bày tỏ lo lắng về việc các nguyện vọng hai, ba, bốn của em có bị xét sau so với các bạn đăng ký nguyện vọng một hay không. Các em có nên thay đổi vị trí các nguyện vọng hay không.
“Những trường hợp này, chúng tôi đều phải tư vấn rất kỹ lưỡng, phân tích chi tiết để phụ huynh, thí sinh hiểu. Có những thí sinh đi rất xa đến trường chỉ để xin thay đổi thứ tự nguyện vọng ưu tiên, lãng phí thời gian, tiền bạc, vất vả, mà lại không cần thiết,” ông Thụ nói./.