Thí sinh tỉnh táo “liệu cơm gắp mắm” khi xét tuyển đại học nhóm trên

Nhiều trường đại học nhóm trên có điểm chuẩn hàng năm cao ngất ngưởng nhưng lại chỉ đưa ra ngưỡng điểm đầu vào khá thấp, chỉ từ 17-18 điểm, cao hơn vài ba điểm so với điểm sàn.
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Nhiều trường đại học nhóm trên có điểm chuẩn hàng năm cao ngất ngưởng nhưng lại chỉ đưa ra ngưỡng điểm đầu vào khá thấp, chỉ từ 17-18 điểm, cao hơn vài ba điểm so với điểm sàn.

Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, thí sinh phải hết sức tỉnh táo khi chọn trường, so sánh mức điểm của mình và mức điểm chuẩn của trường các năm trước để có quyết định đúng khi nộp hồ sơ.

Có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển gây... sốc nhất năm nay có lẽ là Đại học Y Hà Nội, với ngưỡng chỉ 18 điểm.

Trong khi đó, điểm trúng tuyển của trường này luôn ở mức cao chót vót, chẳng hạn ngành Bác sỹ Đa khoa điểm chuẩn hàng năm luôn luôn ở mức từ 27 điểm trở lên. Năm 2015, điểm đầu vào ngành Bác sỹ Đa khoa là 27,75 điểm, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Cử nhân Dinh dưỡng và Cử nhân Y tế công cộng cũng ở ngưỡng 23 điểm.

Đại học Kinh tế ​Quốc dân cũng là một trong những trường có điểm chuẩn cao nhưng lại đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ rất thấp, chỉ 17 điểm.

Năm 2015, trường cũng nhận hồ sơ ở mức 17 điểm nhưng điểm chuẩn trúng tuyển vào trường thấp nhất là ngành Hệ thống thông tin quản lý với 22,75 điểm, vượt so với điểm nhận hồ sơ 5,75 điểm. Tất cả 22 ngành còn lại của trường đều có điểm chuẩn từ 23 điểm trở lên, trong đó ngành Kế toán ở mức 26 điểm, Kinh tế quốc tế 25,75 điểm, Tài chính Ngân hàng 25,25 điểm…

Rất nhiều thí sinh dù đạt đến 22 điểm, cao hơn điểm nhận hồ sơ của Đại học Kinh tế Quốc dân đến 5 điểm, nhưng sau khi nộp hồ sơ đã phải vất vả đến rút nộp sang trường khác vì không có khả năng trúng tuyển vào trường.

Thí sinh và phụ huynh nhờ sự tư vấn của cán bộ tuyển sinh. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Tuy nhiên, năm nay, theo quy định mới, thí sinh sẽ không còn cơ hội để rút hồ sơ như năm 2015. Vì thế, việc cân nhắc để lựa chọn trường phù hợp với mức điểm sẽ quyết định sự đỗ, trượt của các em.

Tương tự, Đại học Sư phạm cũng chỉ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ khiêm tốn là 16 điểm. Điểm nhận hồ sơ của Đại học Bách khoa Thành phồ Hồ Chí Minh là bằng điểm sàn, 15 điểm…

Lý giải về việc đưa ra mức điểm nhận hồ sơ khá thấp, nhiều trường cho biết họ không sai so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì theo quy định, các trường không được đưa ra mức điểm thấp hơn so với điểm sàn là 15 điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, thí sinh cần phải hết sức tỉnh táo khi chọn trường vì điểm điều kiện xét tuyển chỉ là ngưỡng điểm tối thiểu để trường nhận hồ sơ của thí sinh. Các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu nên điểm chuẩn vào trường sẽ cao hơn so với điểm điều kiện. 

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến vấn đề các trường nhóm trên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ quá thấp. Ông Nhạ cho rằng điều này không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh mà còn khiến các trường nhóm dưới gặp khó khăn vì ảnh hưởng đến nguồn tuyển. 

Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường đã trót công bố điểm nhận hồ sơ quá cao có thể rút xuống, công bố lại.

Tuy nhiên, đề nghị này là khó khả thi vì việc đưa ra mức điểm bao nhiêu là quyền tự chủ của các trường, đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền can thiệp. Mặt khác, theo quy định, các trường phải công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng một trước ngày 1/8 nên việc công bố lại là sai quy định. Hơn nữa, điều này nếu thực hiện cũng làm hoang mang trong thí sinh, nhất là những thí sinh đã nộp hồ sơ từ trước đó.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng một của thí sinh sẽ kết thúc vào ngày 12/8./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục