Thi tốt nghiệp THPT: Bí quyết học tập của các á khoa xứ Nghệ

Nguyễn Trần Nam Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 1, là á khoa tổ hợp môn khối A toàn quốc trong khi Phạm Thị Trà Mi, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu là á khoa khối C.
Em Nguyễn Trần Nam Khánh, học sinh lớp 12A1, trường Trung học phổ thông Nam Đàn 1, huyện Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022, tại Nghệ An xuất hiện nhiều gương mặt á khoa toàn quốc.

Các á khoa thực sự là những tấm gương tiêu biểu của học sinh xứ Nghệ trong học tập và rèn luyện với những thành tích đáng tự hào và là những người trẻ tự tin, năng động.

Á khoa khối A với ước mơ kỹ sư ngành hàng không

Với tổng điểm 29,8 cho 3 môn, trong đó Toán 9,8 điểm, Lý 10 điểm, Hóa 10 điểm, Nguyễn Trần Nam Khánh, học sinh lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 1, huyện Nam Đàn, đã trở thành thí sinh có điểm cao nhất tổ hợp môn khối A toàn tỉnh Nghệ An, giành vị trí á khoa toàn quốc trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022.

Nam Khánh không bất ngờ với số điểm mình giành được nhưng lại bất ngờ với vị trí thủ khoa (khối A) toàn tỉnh và á khoa (khối A) toàn quốc.

Ở lớp 12 A1, Nam Khánh là một học sinh nổi bật và được đánh giá là học đều tất cả các môn. Năm lớp 12, tại kỳ thi học sinh giỏi trường, Khánh đoạt giải nhì môn Vật lý và Toán, riêng môn Hóa học, em đoạt giải nhì tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.

Niềm yêu thích của Khánh lại là môn Hóa học và Vật lý. “Điều đáng khâm phục ở Khánh đó là dù học môn nào em cũng dành hết tâm huyết và luôn cố gắng hết sức mình. Do đó, khi biết em được điểm 10 môn Vật lý và Hóa học tôi hoàn toàn không bất ngờ. Toàn bộ kiến thức của môn này, chúng tôi đã ôn luyện kỹ và các em đã tự tin để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022 với tâm thế tốt nhất," thầy giáo Đinh Anh Tuấn - chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ.

Nói về bí quyết học tập của mình, Khánh cho biết: "Em nắm chắc các kiến thức trong sách giáo khoa. Về phần bài tập, em làm tất cả các bài từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và phân bổ thời gian cho tất cả các môn. Trong quá trình làm bài, em không chủ quan, kể cả bài dễ nhất để không bị mất điểm đáng tiếc."

Khánh cũng cho biết vì điều kiện ở xa trung tâm nên Khánh không học thêm nhiều mà chỉ học các thầy cô dạy ở trường. Thời gian còn lại, em chủ yếu tự học và xem thêm một số clip giải bài tập của các thầy cô trên mạng.

Khánh đã luôn tìm niềm vui, động lực học trong việc giải các bài khó. Với em, sự bao quát, khoa học cũng như việc giải thích các hiện tượng, các chất xung quanh luôn hấp dẫn, thu hút em trong việc tìm ra công thức giải. Từ đó, bản thân có thể tìm hiểu được nhiều hoạt động, bản chất các hiện tượng trong cuộc sống.

Đối với Nam Khánh, khi giải được những bài khó là điều em cảm thấy mình vừa được mở mang kiến thức, vừa chinh phục một mục tiêu. Vừa thông minh, hóm hỉnh và đặc biệt tinh thần cầu thị rất cao, Nam Khánh đã học như là một sở thích, bởi không chỉ cho kết quả đúng mà Khánh còn hiểu bản chất.

Với 29,8 điểm khối A, Khánh tự tin sẽ có thể đậu vào trường đại học mà em mơ ước đó là Trường Đại học Bách Khoa, ngành Kỹ thuật hàng không. Trước đó, với thành tích giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học, học sinh giỏi toàn diện Khánh cũng đã có kết quả tuyển thẳng vào trường này, ngành kỹ thuật hóa học.

Nam sinh này cũng cho biết: "Em chọn ngành hàng không bởi bản tính của em thích khám phá, thích được thể hiện năng lực của bản thân và với kết quả này, em nghĩ mình sẽ có động lực đầu tiên để tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thời gian tới."

Á khoa khối C toàn quốc: Thế hệ trẻ phải phát huy truyền thống cha ông

Dù đã phần nào đoán được điểm số nhưng khi nhận được kết quả chính thức với 10 điểm môn Lịch sử, 10 điểm môn Địa lý và 9,5 điểm môn Ngữ văn, Phạm Thị Trà Mi, lớp 12 chuyên Địa lý Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu vẫn ngỡ ngàng.

Với điểm số này, Mi trở thành á khoa khối C toàn quốc và đặc biệt hơn em cũng là thí sinh đạt á khoa Kỳ thi tốt nghiệp của tỉnh Nghệ An với 55,2 điểm.

Trải qua kỳ thi với nhiều cảm xúc, Mi cho biết đây là trải nghiệm đáng quý và em thấy hạnh phúc bởi cuối cùng những cố gắng của mình đã nhận được kết quả xứng đáng.

Thất bại trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia khiến Mi hụt hẫng, buồn bã, trăn trở về tương lai của chính mình, nhất là khi thời điểm Mi nhận kết quả từ cuộc thi này đã là tháng Ba và từ đó đến khi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 chính thức diễn ra, Mi chỉ còn hơn 3 tháng ôn luyện.

Không cho phép mình buồn bã quá lâu mà ngay sau đó, Mi đã lên kế hoạch để ôn thi cho kỳ thi quan trọng nhất của học sinh phổ thông. Đây cũng là kỳ thi mà Mi xác định dùng kết quả để xét tuyển vào các trường đại học.

[Một số gương mặt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022]

Để chuẩn bị, ngoài ba môn chính để xét tuyển khối C là Lịch sử, Ngữ văn và Địa lý, Mi cũng phải dành nhiều thời gian để ôn các môn Toán, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.

Hành trình ôn thi của nữ sinh trường chuyên thực sự không dễ dàng. Môn học khó nhất với em là Lịch sử. Là môn học có rất nhiều sự kiện, nhiều số liệu và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bài làm của Mi. Thời gian đầu khi mới ôn thi, điểm của Mi thường chỉ đạt từ 6-7 điểm và em thực sự hoang mang.

Để ôn thi môn Lịch sử, Mi đã nhờ thầy, cô giáo và các bạn chia sẻ kinh nghiệm, thay đổi cách học, không học thuộc và ghi nhớ máy móc, mà học theo sơ đồ tư duy, tổng hợp các mốc và liên kết với các môn học khác để dễ nhớ, dễ hiểu.

Khi đã nắm vững kiến thức cơ bản, em bắt đầu học phương pháp làm bài và kiên trì luyện đề. Mi thấy phương pháp học Lịch sử được cô giáo truyền dạy, hướng dẫn rất hiệu quả, đó là phương pháp loại trừ để giải những câu thuộc mức độ vận dụng, vận dụng cao. Ví dụ nếu còn băn khoăn về đáp án thì thay vì chọn đáp án đúng, ta sẽ phân tích các đáp án sai, nếu đáp án nào không tìm ra được lỗi sai thì đó chính là đáp án đúng.

Mi cũng cho biết bản thân khá vất vả khi học môn Ngữ văn bởi phần kiến thức lớp 12 khá rộng, ngoài ra còn đòi hỏi các kỹ năng về nhận biết, hành văn…

"Khi chỉ còn thời gian 3 tháng, em không thể học thuộc tất cả các bài văn một cách hoàn chỉnh. Thay vào đó, em học thuộc các ý và triển khai mạch viết theo cảm xúc. Em cũng đọc rất nhiều sách tham khảo và đọc các bài văn hay của các anh chị đi trước để có thể rút kinh nghiệm và vận dụng một số câu viết hay vào trong bài văn của mình," Trà Mi nói thêm.

Ở đề thi năm nay, Mi tâm đắc với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước," dành khá nhiều thời gian để trình bày suy nghĩ của mình. Cá nhân em cho rằng thế hệ trẻ ngày nay, để tiếp bước cha ông đi trước thì trước tiên phải hoàn thiện bản thân, phải biết ưu, nhược điểm của mình để tự khắc phục. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ phải biết phát huy truyền thống cha ông, tích cực tham gia các hoạt động, liên kết cộng đồng.

Em Phạm Thị Trà Mi, lớp 12 chuyên Địa lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: TTXVN phát)

Điều Mi vui nhất là bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội bởi ngay sau khi đọc đề em đã tin rằng mình có thể làm "tốt hơn dự kiến."

"Địa lý là lợi thế của em nên chỉ cần 20 phút em đã hoàn thành xong bài thi và dành hơn một nửa thời gian để khảo lại bài. Môn Lịch sử em cũng chỉ hoàn thành trong 30 phút. Trong quá trình làm bài, có một số đáp án em khá băn khoăn nhưng nhờ phương pháp loại trừ em đã tự tin hơn vào kết quả của mình," Trà Mi cho biết.

Ngày nhận kết quả tốt nghiệp, Mi đồng thời nhận thêm nhiều niềm vui khi em có kết quả tuyển thẳng của 3 trường đại học, trong đó có nguyện vọng 1 là khoa Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc-Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại giao và Đại học Hà Nội. Mi cũng vừa được kết nạp Đảng tại Chi bộ Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu.

Lựa chọn ngành Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc, Mi sẽ đi theo con đường mà chị gái của mình đã truyền cảm hứng và định hướng. Em cũng xác định học thật tốt để sau này có điều kiện đi du học và theo đuổi ngành học yêu thích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục