Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là thành công, nhưng vẫn còn một số hạn chế, một số yếu tố kỹ thuật cần điều chỉnh. Làm thế nào để tổ chức kỳ thi tốt hơn nữa là vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đại biểu đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội.
5 bài học kinh nghiệm
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 đã có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc đồng hành của các bộ, ngành và quyết tâm chính trị từ các địa phương trong tất cả các khâu, từ việc chuẩn bị đến tổ chức thi, chấm thi, xử lý các sự cố của kỳ thi. Vì thế, Kỳ thi đã diễn ra thành công với tỷ lệ tốt nghiệp gần 99%, các sai phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến các thí sinh khác trong kỳ thi, các vấn đề phát sinh trong đáp án thi được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Tuy nhiên, kỳ thi vẫn còn một số hạn chế như còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi. Việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Bên cạnh đó, một số sở giáo dục và đào tạo chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các sở.
Ông Chương cho hay có 5 bài học kinh nghiệm được rút ra từ kỳ thi. Trong đó, nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để kỳ thi năm 2023 được tổ chức thành công là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.
Thứ hai là công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả.
Thứ ba là sự phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với ban chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban Tuyên giáo...
Thứ tư là trách nhiệm toàn diện của ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn với sự chuẩn bị đầy đủ các phương án, điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.
Thứ năm là công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường an ninh, hoàn thiện quy chế
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, năm 2024 là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Toàn ngành phải tránh tâm lý chủ quan, qua loa, đại khái mà phải làm tốt hơn nữa.
Để tăng cường an ninh kỳ thi, đại diện Bộ Công an đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng tăng mức độ xử lý với các thí sinh vi phạm quy chế thi để tăng tính răn đe thay vì chỉ bị đình chỉ thi.
Phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận công nghệ cao cũng là vấn đề được nhiều sở giáo dục và đào tạo quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với lực lượng an ninh để có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn các phương tiện, thiết bị thu, phát thông tin mang vào phòng thi, tránh lọt đề thi.
[Thi Tốt nghiệp THPT năm 2024: Cơ bản giữ ổn định như năm 2023]
Địa phương này cũng cho rằng công tác ra đề, thẩm định đề cần khắc phục một số sai sót như một số năm gần đây.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Trong đó, đặc biệt cần tiếp tục phối hợp với ngành công an tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, trong các kỳ thi tiếp theo, cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi như tiếp tục thực hiện đăng ký trực tuyến, phối hợp với Bộ Công an trong việc đồng bộ hóa dữ liệu dân cư để đảm bảo hệ thống quản lý thi trực tuyến hoạt động ổn định, thí sinh đăng ký thuận lợi, cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức kỳ thi khách quan, công bằng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản, tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn sớm hơn để địa phương có thời gian triển khai sau đó đúng tiến độ đề ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị bộ tiếp tục nghiên cứu cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các chức năng của phần mềm Quản lý thi, tạo thuận lợi cho thí sinh và các đơn vị đăng kỳ dự thi, đơn vị trực tiếp tổ chức thi.
Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước./.