Giới quan sát nhận định các thị trường châu Âu vẫn đang "quay cuồng" với hàng loạt số liệu kém ấn tượng của Trung Quốc, cùng những lo ngại về đà phục hồi chậm chạp sau COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sức phục hồi yếu ớt của Trung Quốc đã phủ bóng đen lên các thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các lĩnh vực như tiêu dùng, công nghệ, công nghiệp và vật liệu đều dễ bị tác động bởi "thể trạng" của nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó có nghĩa giới đầu tư có những tâm lý khá trái chiều đối với chứng khoán châu Âu.
Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm ngày thứ hai liên tiếp sau khi báo cáo công bố hôm 17/7 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong quý 2.
Diễn biến này gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh phải triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn. Trung Quốc ngày 18/7 đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, trọng tâm thu hút sự chú ý của các thị trường châu Âu trong tuần này là báo cáo kinh doanh của các công ty xa xỉ phẩm. Trước đó trong phiên đầu tuần, báo cáo thu nhập đáng thất vọng từ Richemont - chủ sở hữu thương hiệu trang sức Cartier nổi tiếng, đã kéo chỉ số tổng hợp STOXX 600 của khu vực đi xuống.
Trên thị trường tiền tệ, kết thúc phiên 17/7, đồng bảng giao dịch ở mức 1,3082 USD đổi 1 bảng, tuy giảm 0,06% so với phiên trước đó nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất trong 15 tháng là 1,314 USD/ bảng ghi nhận hôm 13/7.
[Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý 2]
Song các chuyên gia đầu tư nhận định đà đi lên của đồng bảng Anh khó có thể kéo dài. Lạm phát tại nước này chưa được kiểm soát hiệu quả, trong khi tăng trưởng vẫn yếu.
Trong khi đó, đồng euro trong phiên này đã chạm mức cao nhất của 17 tháng.
Các thương nhân kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi thị trường nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ nâng lãi suất của mình.
Sự chú ý của nhà đầu tư cũng sẽ đổ dồn vào Danone sau khi một nguồn tin thân cận của hãng tin Reuters cho biết rằng tập đoàn sản xuất sữa của Pháp đang xem xét các lựa chọn pháp lý sau khi Chính phủ Nga nắm quyền kiểm soát công ty con của họ đặt tại nước này.
Ngoài ra, cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc trong tuần này tại Bắc Kinh cũng thu hút sự quan tâm của giới quan sát, khi hai bên tìm cách hợp tác về cả chính sách trong nước lẫn thương mại quốc tế nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Cuộc gặp diễn ra khi châu Á, châu Âu và Mỹ đều đang đối mặt với những đợt nắng nóng và nhiệt độ tăng cao./.