Thị trường chứng khoán có hồi phục mốc 900 điểm trước Tết Nguyên đán?

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019, chỉ số VN-Index mặc dù mất 1,35% song đã lại mốc 880 điểm sau phiên chốt tuần tăng nhẹ và xu thế phục hồi còn khá mong manh.
Thị trường chứng khoán có hồi phục mốc 900 điểm trước Tết Nguyên đán? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019, chỉ số VN-Index mặc dù mất 1,35% sau hai phiên giảm mạnh (ngày 2 và 3/1) song với một phiên tuần phục hồi nhẹ (ngày 4/1) VN-Index đã lên lại mốc 880,9 điểm.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư còn rất thận trọng sau phiên giao dịch ngày 3/1 khi thị trường chứng khoán Việt Nam nhuốm sắc đỏ, VN-Index phá đáy 880 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018) trong bối cảnh thị trường toàn cầu tiếp tục ảm đạm.

[Chứng khoán Âu-Mỹ tụt dốc vì triển vọng kinh tế ảm đạm]

Thách thức cộng dồn

Cụ thể, bên kia bờ đại dương, chỉ số Dow Jone đóng cửa thị trường ngày 3/1 bốc hơi tới 2,8% về mức 22.686,22 điểm, chỉ số S&P 500  giảm 2,5% xuống 2.447,89 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 3% rơi xuống 6.463,50 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 - Anh cũng mất 0,6% chốt 6.692,66 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt - Đức lùi 1,6% xuống 10.416,66 điểm, chỉ số CAC 40 - Pháp sụt 1,7% về 4.611,48 điểm và chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 rơi 1,3% xuống 2.954,66 điểm.

Theo giới chuyên môn, những rủi ro từ cuối năm cũ đang chuyển sang năm mới, do đó các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn thay vì đầu tư vào các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu.

Với tâm lý thận trọng đó, thanh khoản trên thị trường chứng khoán nội địa rơi xuống mức thấp, điều này thậm chí đã tạo ra thách thức cộng dồn lên thị trường trong một phiên chỉ số biến động mạnh như ngày 3/1 - giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ khoảng 2.600 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán có hồi phục mốc 900 điểm trước Tết Nguyên đán? ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Trước đó, diễn biến thị trường trong tháng 12/ 2018 đã không mấy tích cực, VN-Index giảm tổng cộng 34,25 điểm khi đỏ sàn 15 phiên và chốt ở mức 892,54 điểm (ngày 28/12/2018).

Nhìn tổng quan với chu kỳ dài, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội chỉ ra, năm 2018 là năm đầu tiên chỉ số VN-Index có mức tăng trưởng âm sau 6 năm tăng trưởng dương liên tiếp (từ năm 2012 – năm 2017).

[Năm 2019 - Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động]

Thị trường chứng khoán có hồi phục mốc 900 điểm trước Tết Nguyên đán? ảnh 3Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, vượt qua cả các dự báo. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bỏ qua yếu tố nội địa?

Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán KIS, biến động từ thị trường tài chính toàn cầu đang tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước đã bỏ qua các yếu tố nội tại tích cực từ nền kinh tế như báo cáo tăng trưởng GDP 7,08% trong năm 2018, tỷ trọng xuất khẩu đạt ngưỡng 240 tỷ USD và xuất siêu đạt kỷ lục với hơn 6,32 tỷ USD cùng với những kết quả kinh doanh thuận lợi từ khối doanh nghiệp niêm yết.

“Trong khi, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ngược lại với động thái mua ròng 7 phiên liên tiếp, tổng giá trị tích lũy lên trên 1.000 tỷ đồng,” ông Tuyến nói.

Ông Thắng thì phân tích và chỉ ra một số yếu tố tích cực đáng lưu tâm: “Các chỉ số chính trên thị trường giảm mạnh là có thực song điều này không hoàn toàn đúng với quan điểm: Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu trong tuần đầu tiên của năm này.”

Theo ông Thắng, thanh khoản khớp lệnh trên thị trường trong 3 phiên vừa qua có mức thấp và dưới trung bình so với giai đoạn trước. Vì vậy, nhiều khả năng các nhà đầu tư đang giữ tiền, lực chọn đứng ngoài thị trường và quan sát, chờ mức giá hấp dẫn hơn sẽ quay lại giải ngân.

Các đánh giá gần đây từ giới phân tích trong và ngoài nước đều chỉ ra triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2019 được dự báo tiếp tục tích cực. Ông Thắng cho rằng, những biến động trên thị trường quốc tế vẫn phần nào tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam. Điều này có thể khiến cho thị trường sẽ tiếp tục rung lắc và giảm dần cho đến vùng giá hấp dẫn hơn sau đó lực cầu sẽ được kích hoạt trở lại.

Trên thực tế, sau khi VN-Index điều chỉnh đáng kể từ vùng 960 điểm xuống khu vực 860 điểm, nhiều dòng cổ phiếu đã giảm giá khá mạnh. Ông Tuyến cho biết, nhiều mã cổ phiếu đã giảm giá từ 20%-50%, trong đó có cả những cổ phiếu kinh doanh tốt và hiệu quả, vì vậy khả năng thị trường có thể hồi phục với kỳ vọng trên mốc 900 điểm trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, ông Thắng vẫn giữ quan điểm thận trọng, “việc chỉ số VN-Index lấy lại mốc 880 điểm trong phiên cuối tuần này đã làm cho tâm lý thị trường giảm bớt tiêu cực, nhưng sự kỳ vọng về một nhịp phục hồi ngay lập tức là chưa khả thi và quyết định bắt đáy của các nhà đầu tư trong vùng giá hiện tại là mạo hiểm với mức rủi ro cao”./.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục