Thị trường chứng khoán có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn

Giới chuyên gia từ các công ty chứng khoán có những nhận định không mấy tích cực về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch tới (từ ngày 29/3-2/4).
Thị trường chứng khoán có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Tuần qua (từ 22-26/3), thị trường chứng khoán giảm điểm trở lại sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, cùng đó khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp.

Trước diễn biến này, giới chuyên gia từ các công ty chứng khoán nhận định không mấy tích cực về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch tới (từ 29/3-2/4).

Dao động trong vùng tích lũy

Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS nhận định phiên cuối tuần qua (26/3), thị trường ngược dòng thành công bất chấp khối ngoại quay trở lại bán ròng. Việc chỉ số rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm đã có tác dụng lôi kéo dòng tiền đứng ngoài trở lại bắt đáy và thanh khoản tăng.

Về cơ bản, thị trường vẫn dao động trong vùng tích lũy, vì vậy chiến lược giao dịch là mua và bán ở các biên hỗ trợ và kháng cự, MBS khuyến nghị.

Chuyên gia Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC, dự báo thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh vào đầu tuần tới, trước khi hồi phục trở lại về cuối tuần. Vùng 1.150-1.155 điểm vẫn là vùng hỗ trợ quan trọng và có tính quyết định đối với xu thế của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Do đó, nếu để mất vùng điểm này, xu hướng của thị trường sẽ có chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Trong kịch bản này, chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.110-1.125 điểm.

Trong khi đó, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, cùng đó là việc khối lượng giao dịch duy trì trên bình quân từ 10-20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời vẫn khá mạnh. Không những vậy, xu hướng giảm điểm ngắn hạn vẫn đang chi phối. Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác cũng cho tín hiệu tiêu cực, cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn còn.

Hỗ trợ gần của chỉ số VN- Index có thể quanh vùng 1.150 điểm và xa hơn có thể quanh vùng 1.100 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tham gia tại vùng hỗ trợ hiện tại khá tốt và đang mở ra cơ hội cho chỉ số xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật kéo dài trong một vài phiên tới, với ngưỡng kháng cự mục tiêu quanh 1.175-1.178 điểm.

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tích cực hơn. Chỉ số có phiên tăng điểm trở lại cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, cho thấy cơ hội quay lại xu hướng phục hồi của chỉ số đang tăng lên. Trong trường hợp tích cực, chỉ số có thể hướng lên thử thách lại vùng đỉnh 279,5 điểm.

“Nhìn chung, thị trường có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn nhưng có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng trước sự lôi kéo của các phiên hồi kỹ thuật và nên chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng trước khi tham gia trở lại thị trường,” PHS khuyến nghị.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường giảm điểm sau ba tuần liên tiếp tăng điểm với việc chỉ số VN-Index không thể vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và hệ thống giao dịch không thông suốt đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn, dẫn đến áp lực bán gia tăng.

Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh, nhưng tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp vẫn đủ sức giữ thị trường kết phiên trên ngưỡng 1.155 điểm trong ba phiên cuối tuần.

[SSB tăng trần trong phiên chào sàn HOSE bất chấp thị trường đỏ lửa]

Chuyên gia từ SHS vẫn kiên trì nhận định dựa theo mô hình sóng Elliott. Theo đó, SHS cho biết, trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trong trung hạn của thị trường tiếp tục là tích cực do vẫn thuộc sóng tăng 5 (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi chạm đến mục tiêu quanh 1.250 điểm vào nửa đầu tháng 4/2021 hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy sóng điều chỉnh 4).

Sóng Elliott là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu. Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm. Vì vậy, SHS cho rằng, trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể quay trở lại đà tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý quanh 1.200 điểm.

Về diễn biến chỉ số, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 31,84 điểm xuống 1.162,21 điểm; HNX-Index giảm 6,74 điểm xuống 270,96 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 20.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Thị trường chứng khoán có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn ảnh 2(Nguồn: doanhnghiepvadautu.net.vn)

Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,8% lên 81.906 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 3.496 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,2% lên 13.069 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13,1% lên 858 triệu cổ phiếu.

Về diễn biến từng nhóm cổ phiếu tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin giảm mạnh nhất với 4,7% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu giảm mạnh trong nhóm như FPT giảm 4,6%, CMG (7,2%).

Tiếp theo là nhóm nguyên vật liệu với mức giảm 4,6% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như HPG giảm 2%, NKG (5,8%), HSG (6%).

Nhóm hàng tiêu dùng với mức giảm 3,5% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trụ cột trong nhóm giảm mạnh như MSN giảm 3,2%, VNM (4,2%).

Nhóm ngành trụ cột thị trường là ngân hàng bị chốt lời và giảm khá mạnh trong tuần qua với 3,3% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu SHB giảm 0,5%, CTG giảm 3,5%, VPB và ACB đều giảm 4%, MBB giảm 5,8%, TCB giảm 6,2%, BID giảm 6,4%.

Các ngành còn lại đều sụt giảm với tiện ích cộng đồng 2,3% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 2,1%, dầu khí giảm 1,9%, công nghiệp giảm 1,7%, tài chính giảm 1,2%, dược phẩm và y tế giảm 1,1%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống, trong khi các thị trường chứng khoán trên thế giới có diễn biến tích cực.

“Nốt thăng” của chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ phiên 26/3 khép lại tuần giao dịch nhiều biến động với mức tăng điểm khá cao, sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ không tăng cao như thị trường từng lo ngại trước đó.

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 452 điểm (tương đương 1,4%) và trở lại ngưỡng tâm lý quan trọng 33.072,88 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi thêm 1,7% lên kết thúc phiên ở mức 3.975,54 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,2% lên 13.139,73 điểm.

Với mức tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần 26/3, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt ghi nhận mức tăng 1,4% và 1,6% cho cả tuần, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 0,6%.

Nhà phân tích Sophie Griffiths của công ty tư vấn tài chính OANDA cho biết sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế đang thúc đẩy các thị trường chứng khoán tăng cao hơn. Theo chuyên gia này, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tốt hơn dự báo, cùng doanh số bán lẻ ở Anh phục hồi và tâm lý kinh doanh mạnh mẽ hơn mong đợi tại Đức đang hỗ trợ thị trường đi lên.

Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã cản trở kế hoạch mở cửa trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu. Diễn biến này đã tạo ra những “cơn gió ngược” cho cả những nhà đầu tư lạc quan.

Thị trường chứng khoán có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn ảnh 3Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi tổng hợp lại, các yếu tố trên đang giúp thị trường dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng - vốn là bên đã thắng lớn trong thời kỳ đại dịch - sang những cổ phiếu giá trị có thể hoạt động tốt hơn trong một nền kinh tế đang cải thiện.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW cho biết khoảng thời gian nhiều bất ổn kéo dài từ giữa tháng Hai sắp kết thúc, đồng thời dự kiến các thị trường chứng khoán sẽ có một tháng Tư tăng khá mạnh mẽ.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tăng điểm trong chiều 26/3, Phiên này, chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo (Nhật Bản) tăng 446,82 điểm (1,56%) lên khép phiên ở mức 29.176,7 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp, với chỉ số Kospi tại Seoul tăng 32,68 điểm (1,09%) và đóng cửa ở mức 3.041,01 điểm.

Thị trường Trung Quốc cũng đồng loạt đi lên trong phiên này.

Chỉ số Hang Seng tăng 436,82 điểm (1,57%) lên 28.336,43 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cộng thêm 54,74 điểm (1,63%) lên 3.418,33 điểm.

Chứng khoán Mumbai và Taipei cùng tăng hơn 1%, còn Sydney, Singapore, Jakarta và Bangkok cũng trong vùng tăng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục