Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tuần giao dịch nhiều sắc thái

Phố Wall khép lại một tuần đi xuống, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá kết quả mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp mới nhất và lo ngại về những báo cáo gây thất vọng.
Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tuần giao dịch nhiều sắc thái ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều sắc thái.

Sau khi đi ngang phiên cuối tuần và chứng kiến các phiên giao dịch không mấy khởi sắc trước đó, Phố Wall khép lại một tuần đi xuống, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá kết quả mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp mới nhất và lo ngại về những báo cáo gây thất vọng.

Sau kết quả kinh doanh khả quan bất ngờ của các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase trong tuần trước, các nhà đầu tư đang ngóng đợi thông tin cập nhật từ các ngân hàng quy mô vừa cũng như nhà sản xuất ôtô điện Tesla, tập đoàn sản xuất sản phẩm tiêu dùng Procter & Gamble và những công ty khác.

Tâm lý thận trọng đã khiến thị trường diễn biến khá trầm lắng trong các phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 17-18/4).

[Thị trường chứng khoán khó có cơ hội bứt phá trong tuần tới]

Bất chấp dữ liệu tích cực mới nhất về kinh tế Trung Quốc, Phố Wall vẫn không thể hòa theo đà tăng mạnh mẽ tại các thị trường châu Âu và châu Á, do giới đầu tư đang dõi theo kết quả kinh doanh của các ngân hàng Mỹ sau ba vụ phá sản trong tháng 3/2023 trong bối cảnh các ngân hàng đối mặt với sức ép từ việc lãi suất tăng.

Kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 4,5% trong quý 1/2023, nhờ doanh số bán lẻ vượt dự báo trong 3/2023, làm hồi sinh sự lạc quan về đà phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu trên là tín hiệu tích cực đầu tiên kể từ năm 2019, thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các hạn chế liên quan đến dịch bệnh, trong đó có biện pháp phong tỏa toàn thành phố kéo dài nhiều tháng khiến phần lớn đất nước rơi vào bế tắc.

Dữ liệu khả quan về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp trấn an phần nào tâm lý lo ngại của nhà đầu tư sau báo cáo lạm phát hồi tuần trước mà cho thấy hoạt động của người tiêu dùng vẫn chậm chạp.

Tuy vậy, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định cho thấy nền kinh tế vẫn còn những điểm yếu và sự phục hồi có thể không đồng đều.

Chuyên gia Chaoping Zhu tại JP Morgan Asset Management bày tỏ hy vọng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn trong các quý tới và mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023 có thể đạt được.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề bao gồm lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần, lạm phát toàn cầu và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác, cũng như căng thẳng địa chính trị với Mỹ.

Chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống trong phiên 20/4 trước khi tăng nhẹ vào phiên cuối tuần (21/4), do những khó khăn của ngành ô tô và lo ngại về triển vọng kinh tế liên quan tới xu hướng tăng lãi suất nhằm "hạ nhiệt" lạm phát.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 22,34 điểm (tương đương 0,07%) lên 33.808,96 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 "nhích" 0,09% lên 4.133,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,11% lên 12.072,46 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều khép lại tuần qua trong sắc đỏ, với chỉ số Dow Jones giảm 0,23%, dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất, mất 0,42% trong tuần qua, còn S&P 500 hạ 0,1%.

Mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ tiếp tục diễn ra, với kết quả công bố từ Procter & Gamble. Cổ phiếu của tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ này đã tăng 3,5% sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo và nâng triển vọng doanh số bán hàng trong cả năm nay.

Tính đến sáng ngày 21/4, có 76% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 có mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao hơn dự báo từ các chuyên gia phân tích.

Mặc dù các công ty nhìn chung có kết quả lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng trong tuần này, báo cáo lợi nhuận tổng thể không thể thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu, với việc một số nhà đầu tư lo ngại sự sụt giảm kết quả lợi nhuận dần xuất hiện với suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở tương lai.

Carol Schleif, Giám đốc đầu tư tại BMO Family Office, nhận định: "Cho đến nay, mùa báo cáo lợi nhuận diễn ra với một khởi đầu khá êm đềm, với nhiều công ty đạt được kỳ vọng lợi nhuận vốn được cắt giảm trước và điều đó giúp giải thích việc thiếu động lực ở các chỉ số chứng khoán chính trong những ngày vừa qua."

Bà Schleif nói thêm rằng bà dự báo thị trường chứng khoán sẽ giao dịch trong biên độ hẹp một thời gian nữa.

Mùa báo cáo lợi nhuận sẽ tiếp diễn vào tuần tới với kết quả công bố từ các công ty công nghệ lớn gồm Amazon, Alphabet, Meta Platforms và Microsoft./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục