Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất trong tâm lý thận trọng, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm 1,98 điểm và chốt tại mốc 908,67 điểm.
[Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ]
Tuy nhiên, với động thái giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường cùng những thông tin tích cực trong nước và thế giới thời gian gần đây, các chuyên gia phân tích đặt kỳ vọng thị trường sau Tết sẽ sự bứt phá mới.
Khối ngoại tích lũy trước kỳ nghỉ
Trước kỳ nghỉ Tết âm lịch, thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch giằng co, VN-Index đã tiệm mốc 920 điểm nhưng ngay sau đó lực cầu yếu đi và khiến đã chỉ số này phải đầu giảm nhẹ.
Tuy nhiên khi nhìn nhận cụ thể hơn về những diễn biến giao dịch trên thị trường, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MBS chỉ ra, mặc dù VN-Index có một tuần rung lắc song giá của nhóm cổ phiếu dẫn dắt (như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, công nghệ…) đã có tín hiệu tăng rất tích cực.
Trong tuần qua, thanh khoản thị trường đạt ở mức thấp và giảm nhẹ so với tuần trước đó, mục tiêu của dòng tiền hướng về nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp. Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệch trung bình đạt 1.940 tỷ đồng/phiên (so tuần trước 2.200 tỷ đồng/phiên).
Song, động thái của nhà đầu tư nước ngoài lại được các thành viên thị trường nhìn nhận là khá tích cực, họ mua ròng gần 400 tỷ đồng trên toàn thị trường trong 10 phiên gần đây, tại các nhóm cổ phiếu ngân hàng, sản xuất và phân phối điện, chứng khoán, bất động sản và hóa chất. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ra tại các nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, vật liệu xây dựng…
Tín hiệu ‘sáng’… cả trong và ngoài nước
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn–Hà Nội (SHS), việc thị trường kết thúc năm Âm lịch bằng một tuần giảm điểm nhẹ của VN-Index cùng mức thanh khoản thấp là điều bình thường và có thể dự đoán trước với tâm lý nghỉ Tết sớm của các nhà đầu tư cá nhân như các năm trước đây.
Một điểm sáng được ông Thắng chỉ ra: “tuyên bố của Cục dự trữ liên bang MỸ (FED) về việc sẽ hoãn lộ trình tăng lãi suất (ngày 30/1) đã có những tác dụng tích cực nhất định đến thị trường Mỹ song hiệu ứng này vẫn chưa rõ ràng tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.”
Về điều này, ông Sơn có cái nhìn lạc quan hơn và cho rằng, các thông tin trong nước và quốc tế hiện đang khá tốt, những rủi ro trước đó đã có chiều hướng giảm đi, cụ thể chiến tranh thương mại đang được tháo gỡ, đồng USD có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên với các báo cáo kinh doanh khả quan từ khối doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, thị trường trong nước, nhiều công ty niêm yết đã dần công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Động thái sớm thấy, đó là việc khối ngoại mạnh tay mua vào cổ phiếu nhóm ngân hàng, vốn là dòng cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường,” ông Sơn cho hay.
“Đặt cược” thị trường sau Tết
Về kỹ thuật, ông Sơn phân tích, tuần trước Tết, các quỹ ETF giao dịch mạnh với áp lực bán gia tăng là yếu tố chính khiến cho thị trường lình xình và chỉ tập trung được tại một số cổ phiếu lớn.
“Do đó, khi lượng bán của ETF được hấp thụ hết thì đó sẽ là khoản đặt cược lớn vào triển vọng thị trường sau Tết. Hiện tại, mức đáy của VN-Index đang ngày càng củng cố, áp lực bán trong các nhịp giảm không lớn. Vì vậy, khả năng VN-Index sẽ dao động biên độ hẹp 905 điểm – 915 điểm, sau đó sẽ bứt phá từ tuần giao dịch sau Tết,” ông Sơn nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Thắng nhận định, “sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, thị trường sẽ quay trở lại giao dịch và nếu như không có điều bất ngờ xảy ra, tâm lý nhà đầu tư vào dịp đầu năm mới sẽ trở nên tốt hơn và dòng tiền có khả năng sẽ quay trở lại để giúp thị trường tăng điểm.”
Tuy nhiên, ông Thắng giữ quan điểm thận trọng hơn và cho rằng, nhà đầu tư nên bình tĩnh quan sát vào dịp đầu năm mới, khi mà VN-Index hiện đang rất gần với những ngưỡng kháng cự quan trọng 915 điểm - 920 điểm, đây là vùng kháng cự mạnh và rung lắc có thể sẽ xảy ra./.