Thị trường chứng khoán đang trở thành một trong những kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thành công nhất khu vực Đông Nam Á trong huy động vốn.
[Tín hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài]
Ít nhà đầu tư là các tổ chức
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Phát triển thị trường Chứng khoán năm 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 22/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, tổng giá trị huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong năm 2018 đã đạt trên 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước đó. Trong đó, kênh trái phiếu Chính phủ đã gọi được 192.000 tỷ đồng, còn lại khối lượng vốn các doanh nghiệp huy động là 86.000 tỷ đồng.
Ông Sơn nhấn mạnh, “thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng.”
Song để có những giải pháp xây dựng và phát triển thị trường thật sự hiệu quả, vị lãnh đạo ngành chứng khoán thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.
Cụ thể, thời gian qua thị trường chứng khoán có những bước phát triển nhanh, thanh khoản liên tục được cải thiện trong các năm song bên cạnh đó còn tồn tại các yếu tố chưa thực sự bền vững, như việc các chỉ số VN-Index, VN30 biến động bất thường với tần suất dày trong một số giai đoạn.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô vẫn còn quá nhỏ cùng với đó cơ sở nhà đầu tư còn thiếu cân bằng và bền vững. Thực tế cho thấy, thị trường này đang thu hút chủ yếu các nhà đầu tư cá nhân (chiếm tới 99,76%), do đó các hoạt động phòng vệ rủi ro chưa được chú trọng bởi có quá ít các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường.
Thiếu minh bạch thông tin
Mặc dù, thị trường chứng khoán đang dần khẳng định vị thế là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, song để nhà đầu tư yên tâm và tin tưởng “đặt” vốn dài hạn tại các công ty thì rất cần đến các yếu tố minh bạch.
Trên thực tế, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán đang ngày càng nâng cao và là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán vẫn phải thừa nhận tình trạng thiếu minh bạch còn tồn tại ở một số công ty đại chúng, khi mà họ “thiếu chủ động” trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty cũng như số liệu tại Báo cáo tài chính còn có sai sót.
Một điểm bất cập khác đã được đề cập lâu nay song vẫn là bài toán khó khiến nhiều doanh nghiệp đi tìm lời giải, đó là chất lượng quản trị công ty vẫn khá thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.
“Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông,” ông Sơn nói.
“Cuộc chơi”… của nhà đầu tư cá nhân
Những hạn chế trên phần nào đã lý giải cho việc số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm khoảng 2,2% tổng dân số, trong khi tại Mỹ 48,8% ( năm 2013), Singapore 29,1% (năm 2015), Malaysia 26% ( năm 2011), Trung quốc 14,6% (năm 2015).
Và trên thị trường, cơ cấu đầu tư đang nghiêng một bên về phía nhà đầu tư cá nhân khi mà tổng giá trị giao dịch của họ chiếm gần 75% trên sàn HoSE và 99% trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Chưa hết, những số liệu vụ việc bị xử phạt hành chính trong năm 2018 được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố (với 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân) về các hành vi thao túng, tạo cung cầu giả, nội gián, báo cáo không chính xác, công bố thông tin sai lệch, vi phạm chào mua công khai…, cho thấy nhận thức về trách nhiệm đối với nhà đầu tư của một bộ phận công ty đại chúng còn thấp.
Về điều này, ông Sơn cũng cho biết, “việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin (về dòng tiền, thông tin liên quan đến đối tượng nghi vấn), triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc, còn khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hậu quả để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Sau khi nhìn thẳng vào các vấn đề tồn tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 là “bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường.” Theo đó, Ủy ban sẽ triển khai quyết liệt công tác tái cấu trúc thị trường đồng thời khẩn trương đưa ra những sản phẩm mới cho thị trường theo lộ trình đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, mục tiêu hội nhập quốc tế, triển khai và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế cũng như các giải pháp nâng hạng cũng được lãnh đạo Ủy ban cam kết tại Hội nghị lần này.
"Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chứng khoán, Ủy ban sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên thị trường, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên...," ông Sơn cho biết./.