Thị trường đang hoài nghi những dự báo của Fed về lộ trình lãi suất

Các nhà đầu tư đã "phớt lờ" nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell, tiếp tục đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nữa của Fed và cho rằng mức lãi suất cuối năm nay sẽ thấp hơn so với hiện tại.
Thị trường đang hoài nghi những dự báo của Fed về lộ trình lãi suất ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại cuộc họp báo sau lần tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có một thông điệp rõ ràng rằng dù "rất hài lòng" khi đà tăng lạm phát đã bắt đầu chậm lại, ngân hàng này vẫn chưa thể đảo ngược chính sách lãi suất hoặc tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát đã kết thúc.

Ông Powell nói rằng, sẽ mất một thời gian để xu hướng giảm lạm phát lan rộng khắp nền kinh tế.

Ông dự đoán rằng Fed sẽ thực hiện thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa và không có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Các nhà đầu tư đã "phớt lờ" nhận định này, tiếp tục đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nữa của Fed và cho rằng mức lãi suất cuối năm nay sẽ thấp hơn so với hiện tại.

[Fed phát đi tín hiệu về sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ]

Hiện không rõ quan điểm nào sẽ đúng, khi cả Fed và thị trường đều không có thành tích dự đoán tốt kể từ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng này bắt đầu vào tháng Ba năm ngoái.

Cách giải quyết tình trạng mất kết nối giữa hai luồng dự báo này hiện tại phần lớn phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có giảm nhanh hơn dự kiến của ngân hàng trung ương hay thị trường lao động yếu hơn mức họ kỳ vọng hay không.

Tim Duy, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại SGH Macro Advisors, cho biết: “Kết quả thực tế phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và chúng ta sẽ không có dữ liệu để xác nhận hay phủ nhận cho đến ít nhất là nửa đầu năm nay.”

Và chừng nào vẫn còn sự không chắc chắn đó thì sự quan tâm của ông Powell là cố gắng giữ cho thị trường tài chính không đặt niềm tin quá nhiều vào việc cắt giảm lãi suất sẽ nới lỏng các điều kiện tài chính, có thể làm suy yếu tiến trình chống lạm phát mà Fed đã nỗ lực đạt được.

Thị trường đang hoài nghi những dự báo của Fed về lộ trình lãi suất ảnh 2Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay cả việc thừa nhận khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một số kế hoạch của Fed, khiến việc tránh suy thoái thậm chí còn khó khăn hơn.

Do đó, ông Powell nhiều lần khẳng định việc Fed sẽ không cắt giảm lãi suất và thực sự cần phải đưa lãi suất lên ít nhất trên 5% như các nhà hoạch định chính sách dự báo.

“Theo đánh giá của chúng tôi, chúng tôi chưa có lập trường chính sách đủ hạn chế, đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng chúng tôi kỳ vọng việc tăng lãi suất liên tục sẽ là phù hợp,” ông Powell nói.

Nhưng cho đến nay, ông Megan Greene, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Viện Kroll, cho biết: "Thị trường không mua những gì Fed đang rao bán."

Họ vẫn tin rằng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới, quan điểm mà ông Powell cho rằng được thúc đẩy bởi kỳ vọng lạm phát giảm nhanh.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ đang có xu hướng đi đúng hướng trong ba tháng qua. Theo thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát hiện đang ở mức 5%, vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng này, song giảm từ mức cao 7% vào mùa Hè năm ngoái.

Áp lực tiền lương cũng đang giảm bớt, điều này có thể cho phép Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay khi họ đang cố gắng tạo ra một cú  "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, với nỗ lực giảm lạm phát mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Fed cũng cảnh giác với việc lạm phát "hạ nhiệt" quá dễ dàng và cắt giảm lãi suất quá sớm.

Ông Powell và một số người khác đã chỉ ra cuộc chiến chống lạm phát lớn gần đây nhất mà Fed đã trải qua vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, như một lời cảnh báo.

Vào những năm 1970, dưới sự giám sát của Chủ tịch Fed Arthur Frank Burns, Fed đã liên tục tăng lãi suất và sau đó cắt giảm lãi suất để ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến giá cả tăng mạnh  trở lại và buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn.

Người kế nhiệm của ông, Paul Volcker, cuối cùng đã tăng lãi suất lên gần 20% để dập tắt tình trạng lạm phát vượt tầm kiểm soát dưới thời ông Burns.

Các điều kiện tài chính bắt đầu nới lỏng sau cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 11/2022 và trong khi ông Powell phần lớn gạt bỏ những lo ngại như vậy tại cuộc họp mới nhất, Fed không đủ khả năng để chúng nới lỏng hơn nữa.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán EY Parthenon, cho biết: “Việc nới lỏng các điều kiện tài chính chắc chắn không phải là điều mà Fed hướng tới và chúng tôi cho rằng một loạt các nhận định của quan chức Fed trong những tuần tới sẽ nhằm mục đích định hướng lại thông điệp của họ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.