Thị trường dầu thế giới ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp, dù đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần do nhà đầu tư cân nhắc về nhu cầu nhiên liệu suy yếu của Mỹ và xu hướng chốt lời vào cuối quý.

Kho dự trữ dầu quốc gia Shibushi ở quận Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Kho dự trữ dầu quốc gia Shibushi ở quận Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng giá thứ ba liên tiếp, dù đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần này do lo ngại về xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah.

Giá dầu giảm phiên cuối tuần ngày 28/6, do các nhà đầu tư cân nhắc về nhu cầu nhiên liệu suy yếu của Mỹ và xu hướng chốt lời vào cuối quý, trong khi dữ liệu về lạm phát được chờ đợi của tháng 5 cho thấy khả năng cao hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Cụ thể, kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao tháng 9/2024 giảm 0,3%, xuống 85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 20 xu, tương đương 0,24%, xuống 81,54 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 0,02%, trong khi giá dầu WTI cũng tăng 1%. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 6% trong tháng Sáu.

Kể từ đầu năm 2024 tới nay, giá dầu WTI tăng 13,8%, còn giá dầu Brent Biển Bắc cộng thêm 12,1%.

Theo báo cáo hàng tháng về Cung ứng Dầu mỏ của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 28/6, mặc dù sản lượng và nhu cầu dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất 4 tháng trong tháng 4/2024, nhu cầu xăng lại giảm xuống 8,83 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group, cho biết: “Báo cáo hàng tháng từ EIA cho thấy nhu cầu xăng khá yếu. Điều đó hạn chế nhu cầu mua dầu thô."

Các nhà phân tích cho biết nhiều nhà giao dịch đã chốt lời vào cuối quý 2, sau khi giá tăng hồi đầu tháng này. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, không thay đổi trong tháng 5, làm dấy lên hy vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Kỳ vọng ngày càng tăng về chu kỳ nới lỏng của Fed đã gây ra làn sóng rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược 64% khả năng xảy ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Chín, tăng từ mức dự đoán 50% một tháng trước.

Việc giảm lãi suất có thể mang lại lợi ích cho dầu vì nó có thể thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.

Giá dầu được nâng đỡ bởi các dấu hiệu cho thấy xung đột quân sự giữa Israel và Hezbollah đang “nóng lên," làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tới Iran, thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và có thể làm gián đoạn một phần nguồn cung dầu thô cho thị trường.

OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC +) đầu tháng 6/2024 đã đồng ý gia hạn hầu hết các đợt cắt giảm sản lượng dầu sâu cho năm 2024 và kéo dài cho tới cuối năm 2025.

OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022. Các thành viên OPEC+ đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.

Việc cắt giảm bao gồm 2 triệu thùng/ngày của tất cả các thành viên OPEC+, cùng đợt cắt giảm tự nguyện đầu tiên của 9 thành viên là 1,66 triệu thùng/ngày và đợt cắt giảm tự nguyện thứ hai của 8 thành viên là 2,2 triệu thùng/ngày.

ttxvn-gia dau6.jpg
Một giàn khoan dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Một thông báo của OPEC+ cho hay nhóm này đã gia hạn đợt cắt giảm đầu tiên từ cuối năm 2024 cho đến cuối năm 2025.

Các nguồn thạo tin cho biết các thành viên OPEC+ cũng đồng ý gia hạn đợt cắt giảm tự nguyện thứ ba 2,2 triệu thùng/ngày sang quý 3.

Nhóm này cũng đồng ý phân bổ cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hạn ngạch sản xuất cao hơn là 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025, tăng từ mức 2,9 triệu thùng/ngày hiện tại.

OPEC+ cũng hoãn thời hạn đánh giá độc lập về năng lực sản xuất của các thành viên đến cuối tháng 11/2025 thay vì tháng 6/2024. Các số liệu này sẽ được sử dụng làm hướng dẫn cho mức sản xuất tham chiếu của năm 2026.

Động thái trên được đưa ra khi nhóm này tìm cách củng cố thị trường khi nhu cầu toàn cầu tăng trưởng thấp, lãi suất cao và sản lượng của Mỹ đang gia tăng.

Giá dầu đang được giao dịch gần 80 USD/thùng, thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách của mình. Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu chậm chạp ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc cùng với lượng dầu dự trữ tăng ở các nền kinh tế phát triển đã đè nặng lên giá “vàng đen” thời gian qua.

Cuộc họp cấp bộ trưởng OEC+ sẽ được tổ chức sáu tháng một lần và cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 1/12/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....