Tuần qua, thị trường chứng khoán đã kéo dài được đà hồi phục với tuần thứ ba liên tiếp đồng thời mức thanh khoản ghi nhận có sự cải thiện.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,53 điểm (+0,2%) và lên 1.287,98 điểm. Tuy nhiên, HNX-Index đã giảm nhẹ 0,69 điểm (-0,2%) và xuống 310,48 điểm.
Thanh khoản cải thiện
Điểm tích cực trong tuần, giá trị giao dịch trên sàn giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) đạt 78.029 tỷ đồng và tăng 6,6% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng giao dịch 2.798 triệu cổ phiếu, giảm 3,2%.
Tại sàn giao dịch Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch cũng đạt 10.253 tỷ đồng và tăng 16% so với tuần trước đó, khối lượng giao dịch tương ứng 420 triệu cổ phiếu, tăng 3,7%.
Tuần qua, VN-Index đi lên trong 3/5 phiên giao dịch nhưng chỉ đạt mức tăng nhẹ, do hai 2 phiên còn lại diễn biến giao dịch cầm chừng khiến chỉ số điều chỉnh giảm.
Về diễn biến theo ngành, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 9,4% giá trị vốn hóa, nhờ động lực mạnh mẽ từ các mã trụ cột trong ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt, như REE (+3,8%), TDM (+8,9%), BWE (+10,2%), GAS (+12,9%)...
Đứng thứ hai là nhóm cổ phiếu dầu khí có mức tăng 3,9% giá trị vốn hóa, do được hưởng lợi từ diễn biến giá dầu tăng mạnh, như mã BSR (+15,9%), PVD (+4,1%), PVS (+10,6%), PVC (+10,2%), PVB (+6,4%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng, tăng 1,6% nhờ đà vào tăng của các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, như MWG (+4,4%), FRT (+2,6%), DGW (+1,4%)...
Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin cũng tăng khá tốt với 1,3% giá trị vốn hóa, tiêu biểu trong ngành này là FPT (+2%)…, ngành công nghiệp tăng 0,8% và nhóm hàng tiêu dùng tăng 0,7%.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế đi ngược xu thế thị trường, có mức mạnh nhất với 1,7% giá trị vốn hóa. Cùng với đó, nhóm trụ cột là ngân hàng cũng điều chỉnh giảm 1,6%, khu vực tài chính xuống 0,6% và ngành nguyên vật liệu giảm 0,3%.
Khối ngoại chuyển vị thế mua ròng
Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vị thế sang mua ròng trên cả hai sàn với giá trị 2.082,17 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 43,8 triệu cổ phiếu.
Ông Thắng chỉ ra mã chứng chỉ quỹ FUEVFVND được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 47,6 triệu đơn vị. Tiếp theo là mã CTG với 4,8 triệu cổ phiếu và HDB với 4,7 triệu cổ phiếu. Song, họ đã bán ròng E1VFVN30 nhiều nhất, đạt 8,4 triệu chứng chỉ quỹ.
Mặt khác, ông Thắng cho hay trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 9 đến 14 điểm và điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại.
Đánh giá diễn biến thị trường, ông Thắng cho rằng VN-Index đã gần như đi ngang sau 2 tuần phục hồi liên tiếp trước đó. Theo đó, thị trường cho thấy đợt hồi phục này khá mạnh và đáng tin cậy khi khối lượng giao dịch đang ở mức ổn định trong suốt 3 tuần qua.
“Tuy nhiên, việc VN-Index tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1300 điểm và sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh và thị trường chứng khoán đã chứng kiến 2 phiên giảm điểm ở cuối tuần. Nhưng, trường hợp thị trường có nhịp điều chỉnh thì không hẳn mang tính chất tiêu cực, mà điều này sẽ tạo cơ hội để các nhà đầu tư tích lũy lại trước khi có những động thái tích cực hơn,” ông Thắng trao đổi.
Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, ông Thắng phân tích thị trường đang có sự ủng hộ cho xu hướng hồi phục khi VN-Index bật tăng và thoát xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm đồng thời gần như chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm (là mốc đầu tiên sóng hồi phục hướng tới).
Do đó, ông Thắng lưu ý ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm đang bị thử thách. Cụ thể, thị trường đã giảm 2 phiên cuối tuần qua và VN-Index chưa thoát khỏi ngưỡng cản này. Vì vậy, thị trường rất có thể đang trong giai đoạn điều chỉnh tất yếu và cần thiết để tích lũy thêm trước khi có đợt tăng giá mới để tiếp tục vượt lên.
Nhận định chung, theo ông Thắng thị trường đã hồi phục mạnh từ đáy nhưng định giá vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/E thị trường vẫn chỉ quanh 14 lần. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có định giá hấp dẫn và đợt điều chỉnh đang diễn ra sẽ là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
“Với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1 khá ấn tượng. Do vậy, mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn và nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội giải ngân ở các nhịp điều chỉnh của thị trường,” ông Thắng nói./.