"Loạn" thị trường game

Thị trường game “loạn” trước sức ép từ game ngoại

Thị trường game Việt "rối ren" trước việc game ngoại đang lợi dụng các kẽ hở pháp luật để "tấn công" với nhiều hình thức khác nhau.
Trước cảnh các doanh nghiệp trò chơi trực tuyến (game online) có nguy cơ “thua trên sân nhà,” Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan rà soát, xem xét hồ sơ game online đã trình duyệt để cấp phép, trong đó đặc biệt ưu tiên những game online mang tính văn hóa, giáo dục. Thua sân nhà Tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến diễn ra sáng 3/7, ông Hoàng Vĩnh Bảo (Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử) cho hay, tính đến tháng 7/2013, ở Việt Nam có 117 game online được phép phát hành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã có 44 trò chơi ngừng hoạt động. Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, game online còn dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội khiến dư luật hết sức quan tâm. Trên thực tế, đến nay việc quản lý game online chỉ dựa vào Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA và sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ những bất cập. Nhằm chấn chỉnh lại game online, bên cạnh việc kiểm tra, kiện toàn văn bản mới để thay thế Thông tư 60, tháng 10/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra thông báo tạm dừng thẩm định nội dung các trò chơi trực tuyến, chờ văn bản mới ban hành. Ông Bảo cho rằng, hiện tại đa số các trò chơi đã được thẩm định, cấp phép của các doanh nghiệp Việt Nam không còn hấp dẫn nhiều người tham gia, trong khi các sản phẩm mới không được cấp phép đã dẫn đến việc người chơi tìm đến các trò chơi do nước ngoài cung cấp. Đó là những game không được thẩm định về nội dung kịch bản. “Hầu hết game 'lậu' đều có hình ảnh đánh nhau, đậm chất bạo lực,” ông Bảo nói. Theo Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng "do các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật, hoạt động trái phép tại Việt Nam... Với tình hình này, vô hình chung chúng ta đã dần loại doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi thị trường cung cấp game online ngay tại Việt Nam, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và nhà nước." Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa (FPT Online) thổ lộ, với chính sách như hiện tại [tạm dừng cấp phép game online-pv] thì doanh nghiệp này sẽ rất khốn khó. Thực tế cho thấy, ba năm qua "FPT Online không tiến mà chỉ lùi." Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG cho rằng trong bối cảnh Internet phát triển, việc thanh toán trực tuyến sẽ không có sự phân biệt giữa Việt Nam và thế giới. Bản thân các doanh nghiệp game nước ngoài tham gia vào thị trường một cách thoải mái, trong khi doanh nghiệp trong nước lại bị quản lý chặt chẽ khiến “không biết hoạt động kiểu gì.” Là một trong những “đại gia” cung cấp game online, đại diện VTC Online cho rằng hiện có hơn 200 game online không cấp phép trên web và “không đếm xuể” số lượng game trên mobile mà người Việt Nam có thể chơi.
"Vượt rào" để tồn tại
Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp cung cấp game online ở Việt Nam đã tìm cách “vượt rào,” bất chấp việc vi phạm luật pháp. Ông Nguyễn Văn Hùng nói rằng, đến nay hầu hết các doanh nghiệp phát hành game online đã được thanh tra, kiểm tra. Thông qua thanh tra, đơn vị này nhận thấy có những doanh nghiệp bị phạt nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm. Hình thức vi phạm của doanh nghiệp rất đa dạng như đặt máy chủ trò chơi ở nước ngoài cung cấp phiên bản quốc tế hoặc tiếng Việt, hoặc đặt máy chủ trong nước với thời gian rất ngắn, đánh cắp phần mềm của các trò chơi, thu tiền người chơi rồi đóng máy chủ… Đây là hành vi lừa đảo, được áp dụng với các trò chơi quốc tế có nhiều người chơi như MU, Cabal, Rakion, Gunz…). Đặc biệt, một số nhà sản xuất game online nước ngoài khi phát hiện các Công ty của Việt Nam gặp khó trong việc triển khai dịch vụ đã chủ động Việt hóa trò chơi, liên hệ với một số cá nhân trong nước thành lập doanh nghiệp mới, cung cấp trực tiếp trò chơi và thu phí thông qua thẻ cào, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như sự quản lý của cơ quan nhà nước. Không chỉ đích danh, song ông Hùng cho biết đã xác định ít nhất 4 công ty nước ngoài, cung cấp hàng chục trò chơi "trái phép" vào Việt Nam.

Nhiều game online nước ngoài đang tìm cách xâm nhập "trái phép" vào thị trường Việt Nam.
(Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN)
Bên cạnh đó, vi phạm về game còn thể hiện qua các mạng xã hội, các kho phần mềm được tích hợp sẵn trong các ứng dụng của smartphone, smartTV. Những trò chơi này được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài và tại Việt Nam có thể tải về thoải mái. Trong đó, có rất nhiều trò chơi thể loại đánh bài, khiêu dâm, bạo lực và hành vi cung cấp qua kho phần mềm này đến nay chưa có quy định pháp luật cụ thể nào điều chỉnh. Để tìm hiểu nguyên nhân, Thanh tra đã làm việc với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và kết quả cho thấy 100% doanh nghiệp cung cấp game online đều có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản, vi phạm quy định pháp luật về quản lý game online. “Các doanh nghiệp nói họ đang bị dồn vào thế chân tường: hoặc chấp nhận dừng hoạt động, giải thể hoặc bắt buộc vi phạm để tồn tại,” ông Hùng nhấn mạnh. [Tạm dừng cấp giấy phép cho trò chơi trực tuyến] Cũng theo ông Hùng, bên cạnh việc doanh nghiệp vì lợi nhuận, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm chính là việc ngưng cấp phép trò chơi kéo dài, dẫn đến kế hoạch, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong nước bế tắc. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đều không thể thích ứng. Sẽ tháo nút Để bảo đảm thị trường game, doanh nghiệp cung cấp game trong nước phát triển lành mạnh, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên học tập theo các mô hình quản lý của nước ngoài chứ không nên hạn chế, bởi việc chặn game "lậu" là rất khó. Ông Lê Hồng Minh nói, ở các quốc gia không có giới hạn về game, song họ quản lý game theo thị trường hoặc cấm hẳn các game có nội dung nhạy cảm (về chính trị, tôn giáo, bạo lực…). Ở Hàn Quốc, một đất nước game online rất phát triển, đã có những biện pháp quản lý trẻ em chơi game qua hệ thống chứng minh nhân dân điện tử… Đồng tình, song ông Phan Sào Nam của VTC Online kiến nghị cần có đánh giá công tâm, đa chiều về game. Nhà nước cần đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp game trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, cần sớm ban hành quy chế mới về kiểm định và cấp phép game… Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 97/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trong đó có nội dung cụ thể về quản lý hoạt động game online thay thế Thông tư 60 đã được trình Chính phủ. Trong đó, có những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn các loại hình, trò chơi bất hợp pháp; Quản lý người chơi theo độ tuổi và thời gian chơi (giới hạn tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi trong một ngày không quá 180 phút); Tách riêng điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, trong đó quản lý chặt chẽ về thời gian cung cấp dịch vụ game online từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày… Bên cạnh việc tuyên truyền, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng kiến nghị xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các trò chơi thuần Việt, lồng ghép nội dung giáo dục lành mạnh, giúp rèn luyện kỹ năng, truyền bá kiến thức văn hóa, lịch sử… trong nội dung kịch bản trò chơi. Ông Nguyễn Văn Hùng kiến nghị cần tiếp tục xem xét, cấp phép đối với các trò chơi phù hợp quy định đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh với các hành vi vi phạm của các công ty game nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam… Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết game không chỉ là kinh tế, mà còn thể hiện cả văn hóa, lối sống, lịch sử… Ở một số nước vẫn có nhiều game phát triển lồng được văn hóa, lịch sử, trong khi ở Việt Nam điều này còn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp game cần rút ra bài học từ sự thất bại khi làm game giáo dục (ví dụ như game "Thuận Thiên kiếm" của VNG), để từ đó có cách phát triển hợp lý, mang lại lợi ích cho xã hội. Ông Doãn cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp game online để có cách giải quyết hợp lý. Cần rà soát lại các hồ sơ xin cấp phép game để xử lý từng bước trong đó ưu tiên cấp phép cho những game mang tính văn hóa, giáo dục. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu game phải tuân thủ các quy trình như nhập khẩu các sản phẩm văn hóa khác vào Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển game trong nước, đặc biệt là những game giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục