Ngày 7/3 thị trường tài chính của Hàn Quốc đã phải hứng chịu một cú đánh nặng nề khi cả lĩnh vực tiền tệ và chứng khoán đều bị mất điểm nghiêm trọng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang ở Đông Âu, nhất là sau khi quân đội Nga bắn phá một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.
Đồng won của Hàn Quốc tiếp tục kéo dài mức giảm so với USD khi tại phiên đóng cửa ở mức 1.227,1 won/USD, mức thấp nhất trong 21 tháng qua. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, tỷ giá hối đoái đứng ở đầu mốc 1.220 won/USD. Việc đồng won mất giá mạnh đang làm dấy lên lo ngại rằng sẽ tiếp tục kéo giá tiêu dùng (vốn đang được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu kéo dài và biến động của giá dầu thế giới) tiếp tục tăng cao.
Theo các nhà phân tích thị trường của Hàn Quốc, đồng won mất giá là do các nhà đầu tư ngày càng ưa thích các tài sản an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết.
Nhà phân tích Kwon Ah-min của NH Investment & Securities nhận định rằng: "Đồng won của Hàn Quốc sẽ tiếp tục yếu, đồng USD được kỳ vọng sẽ tăng thêm giá trị trong ngắn hạn và theo đó, Nga có thể kéo dài cuộc khủng hoảng Ukraine."
Trong khi đó, triển vọng thị trường được dự báo trước đây là tỷ giá đồng won/USD sẽ chịu áp lực giảm vào cuối tháng 3 để phù hợp với kế hoạch bình thường hóa tiền tệ từ Mỹ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã làm giảm đi khả năng đó.
Nhà phân tích Kwon Ah-min nhấn mạnh thêm rằng: "Có nhiều khả năng cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài hơn so với dự kiến do các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga cũng lập trường cứng rắn và kiên định của Moskva."
[Khủng hoảng Ukraine kéo chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 7/3]
Công ty chứng khoán cũng đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá hối đoái mục tiêu lên mức cao nhất là 1.250 won/USD đồng thời dự kiến tỷ giá hối đoái trung bình trong Quý I/2022 sẽ ở mức 1.190 won/USD.
Các cơ quan quản lý ngoại hối của Hàn Quốc, bao gồm Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) cùng ngày cũng đã phải can thiệp vào thị trường lần đầu tiên sau 16 tháng do lo ngại về tỷ giá hối đoái tăng.
Một quan chức của MOEF cho biết: "Chúng tôi đang tăng cường giám sát xem liệu những người tham gia thị trường có cảm giác sợ hãi quá mức hay không."
Hiện cũng còn một mối lo ngại khác là việc đồng won suy yếu sẽ tạo áp lực tăng đối với giá tiêu dùng, đặc biệt vào thời điểm nguồn cung toàn cầu bị tắc nghẽn kéo dài và giá dầu tăng.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) nhận định rằng giá tiêu dùng ở Hàn Quốc sẽ chịu áp lực tăng trong năm nay do những bất ổn từ bên ngoài.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng sụt giảm hơn 2% trong cùng ngày vì lý do tương tự. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đã không thể bảo vệ mốc 2.700 điểm khi khép lại ở đóng cửa với 2.651,31 điểm, giảm 62,12 điểm (2,29%) so với ngày giao dịch trước đó. Chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ thứ cấp cũng kéo dài khoản lỗ thêm 2,16% do sự bán tháo của các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài.
Các nhà phân tích thị trường Hàn Quốc kỳ vọng các nhà đầu tư tiếp tục tránh các tài sản rủi ro do những bất ổn ở nước ngoài.
Nhà phân tích Han Ji-young của Công ty chứng khoán Kiwoom (Hàn Quốc) cho biết: "Các nhà đầu tư sẽ thích phòng ngừa rủi ro hơn khi đầu tư cổ phiếu do bất ổn địa chính trị và giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, chính điều này sẽ lại khiến các nhà đầu tư khó phản ứng với thị trường"./.