Thị trường Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây của Việt Nam đang ở đâu?

Đại diện Viettel cho rằng Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng về dịch vụ Trung tâm dữ liệu nhưng lại luôn đi sau các nước: Chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia.
Toàn cảnh Hội nghị DCCI Summit 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho biết dịch vụ Trung tâm dữ liệu (DC) đang có sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) về các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) và dự báo sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ.

Thông tin trên được ông Ngọc đưa ra tại Hội nghị về Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây với chủ đề “Phát triển Tương lai Số bền vững” do Viettel IDC (thuộc Tập đoàn Viettel) tổ chức ngày 18/3.

Thị trường Trung tâm dữ liệu tăng trưởng chậm

Phía Viettel cho hay hiện nay quy mô thị trường Trung tâm dữ liệu toàn cầu xấp xỉ 70 tỷ USD trong năm 2023 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép ổn định 10 năm qua xấp xỉ 14,7%. Dự báo, mức độ tăng trưởng này sẽ kéo dài tới 2030.

Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực có tốc độ phát triển Trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác. Quy mô của APAC đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,9% tới năm 2028. Trong đó, dự báo quy mô Trung tâm dữ liệu thị trường Việt Nam đến 2030 đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%.

Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc trình bày tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Ngọc, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng về dịch vụ Trung tâm dữ liệu nhưng lại luôn đi sau các nước. Cụ thể xét ở quy mô thị trường, Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia. Trong các năm 2020-2023, dịch vụ Trung tâm dữ liệu tại các nước Indonesia, Malaysia tăng trưởng 6 lần còn Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5 lần.

Về nguyên nhân, theo ông Ngọc, Việt Nam có các động lực để phát triển thị trường này (giá nhân lực rẻ, chi phí xây dựng rẻ hơn quy mô dân số đông…), nhưng chúng ta lại tăng trưởng chậm hơn các nước trong khu vực, bắt nguồn từ một số rào cản nhất định. Một trong số đó là kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định khiến dịch vụ Trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng.

"Hiện, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch Hạ tầng viễn thông thu động trong đó tập trung phát triển hạ tầng cáp quang biển và 5G. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn Viettel, VNPT, FPT tham gia đầu tư các dự án cáp quang biển với mục tiêu tăng cường khả năng kết nối cáp quang biển đi quốc tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định. Cùng với đó, Viettel vừa trúng đầu thầu băng tần dành cho 5G khẳng định cam kết của nhà mạng phủ sóng 5G toàn quốc từ nay đến hết năm 2025, qua đó thúc đẩy Chuyển đổi Số Quốc gia phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số mạnh mẽ hơn nữa," ông Ngọc nhấn mạnh.

Thị trường Điện toán đám mây của Việt Nam tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo của Viettel, thị trường Điện toán đám mây châu Á-Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, các sáng kiến và hỗ trợ của chính phủ, nhận thức rõ ràng về Chuyển đổi Số trong doanh nghiệp, các khoản đầu tư ngày càng tăng cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, sự chuyển dịch công nghiệp vào các thị trường mới nổi nằm trong khu vực, sự tập trung và tăng trưởng các ngành công nghệ thông tin.

Tại thị trường Việt Nam, dự báo quy mô dịch vụ Điện toán đám mây đạt hơn 1.200 triệu USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, đại diện Viettel IDC cho biết sau thời gian phát triển nóng, thị trường này đang trong giai đoạn chững lại (năm 2022-2023). Nguyên nhân do các doanh nghiệp, tổ chức sau khi thực hiện chuyển dịch vụ lên đám mây, có xu hướng tối ưu chi phí, song đó chỉ là xu hướng ngắn hạn. Thị trường Điện toán đám mây được dự báo sẽ phục hồi quý IV/2024 và giai đoạn 2025-2026 sẽ phục hồi đi lên.

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Ngọc cho biết hiện quy mô thị trường Điện toán đám mây ở Việt Nam cũng chỉ bằng trên 50% so với một số nước ở khu vực. Song Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 khu vực châu Á (tăng 19% năm 2023) và dự báo đến năm 2030 Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12%/năm.

Đại diện Viettel cũng cho biết cả 2 dịch vụ này thị phần lớn vẫn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, song vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã ban hành hành lang pháp lý quy định rõ về sử dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân… Do vậy, việc phát triển các dịch vụ này phải bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định về giảm carbon, khí thải,... theo các cam kết COP 26.

Đại diện Viettel cũng tiết lộ, cùng với 13 Trung tâm dữ liệu với tổng công suất 106 Megawatt (MW) thì trong tháng 4/2024, Viettel sẽ khai trương thêm một Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có công suất 25 MW, bảo đảm các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng sạch cùng với đó là tích hợp Trí tuệ nhân tạo để vận hành. Đến năm 2030, Viettel sẽ xây dựng 2 Trung tâm dữ liệu lớn khác (Mega DC) tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng công suất 45 MW./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục