Thiên tai gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại miền núi phía Bắc

Tính đến 15 giờ ngày 21/7, thiên tai làm chết 5 người tại tỉnh Hà Giang, 3 người bị thương tại huyện Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang của tỉnh Hà Giang và tại tỉnh Cao Bằng.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang giúp nhân dân khẩn trương khắc phục mưa lũ. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, thiên tai (mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất...) đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều nơi trong ngày 21/7.

Tính đến 15 giờ ngày 21/7, thiên tai làm chết 5 người tại tỉnh Hà Giang (2 mẹ con bà Lý Già Tin, 44 tuổi và em Lý Thị Ơn, 15 tuổi, trú ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì bị chết do đất đá làm sập nhà vùi lấp; cháu Nguyễn Tú Minh Ánh, 13 tuổi, tại Tổ 9, trú ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang chết do đất sạt lở vào nhà; cháu Trịnh An Vy, 2 tuổi, trú ở xã Tân Quang, huyện Bắc Quang bị đuối nước do lũ dâng cao; anh Nông Văn Chiến, 27 tuổi, trú ở thôn Nà Sáng, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê đi xe qua đập tràn bị lũ cuốn); 3 người bị thương tại huyện Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang của tỉnh Hà Giang và tại tỉnh Cao Bằng.

Thiên tai cũng làm 57 ngôi nhà bị sạt lở, 524 nhà bị ngập lụt (thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì); tại Tổ 6 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang lũ ống làm sập một số nhà dân (hiện địa phương đang thống kê thiệt hại).

Một số khu vực của thành phố Hà Giang bị ngập sâu đến 1,2m; 5 thôn của xã Yên Định, huyện Bắc Mê bị ngập.

[Hà Giang: Sạt lở đất khiến Quốc lộ 2 bị chia cắt hoàn toàn]

Ngoài ra, mưa lớn gây sạt lở 3 điểm tại Quốc lộ 2, dự kiến, đến 0 giờ ngày 22/7 sẽ thông xe; ngập lụt 4 điểm trên Quốc lộ 4C đoạn qua thành phố Hà Giang, 2 điểm trên Quốc lộ 34C; sạt lở 2 điểm trên Tỉnh lộ 176B đoạn qua xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh (hiện đã thông xe) và sạt lở, ngập lụt một số tuyến đường liên xã và thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên.

Mưa lũ cũng làm ngập úng 215ha lúa mới cấy và hoa màu; 5ha cây lâm nghiệp, 23,8ha ao cá truyền thống bị thiệt hại; 11 con gia súc bị chết. Hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Thái An (huyện Quản Bạ) dừng hoạt động do bị đất đá vùi lấp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã khẩn trương chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, lực lượng vũ trang, các ngành huy động lực lượng 4 tại chỗ để ứng cứu, di dời nhân dân đến nơi an toàn, đồng thời có các phương án đảm bảo giao thông thông suốt.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, mưa lớn dữ dội trút xuống thành phố Lào Cai sáng 21/7 khiến nước tiêu thoát không kịp, dồn ứ lại, gây ngập sâu nhiều tuyến đường phố, ngập nặng nhất là khu vực phường Bắc Cường.

Hàng chục nhà dân bị nước dâng cao tràn vào nền nhà làm ngập từ 10-30 cm, người dân phải di chuyển đồ đạc lên cao. Nhiều diện tích rau xanh bị dòng nước mang đất cát vùi lấp, ngập úng hư hỏng nặng...

Dự báo, ngày 21/7, vùng hội tụ gió trên cao vẫn duy trì trên khu vực Lào Cai gây mưa, mưa rào và dông trên diện rộng, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Trước tình hình mưa lũ khả năng diễn biến phức tạp và khó lường, người dân trong toàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi, cần đề phòng mưa lớn gây lũ cao, lũ quét, trượt lở đất đá, cảnh giác với lốc xoáy, sét đánh trong cơn dông; các vùng trũng thấp, nơi ngã ba sông, suối phòng ngừa ngập lụt sâu.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản số 272/VPTT gửi các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; theo dõi tình hình mưa, dông tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng cần khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm người bị vùi lấp, phòng chống, cảnh báo những khu vực bị ngập sâu, sạt lở để giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương càn tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình mưa, lũ, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo văn bản số 272/VPTT của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Công điện số 04 ngày 21/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục