Theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Warsaw (Ba Lan), thiên tai gây thiệt hại gần hàng trăm tỷ USD mỗi năm và thậm chí còn cao hơn do biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Báo cáo cho biết, các thảm họa thiên nhiên đã gây tổn thất gần 4.000 tỷ USD trong 30 năm qua, trong đó 2/3 là do các cơn bão, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng. Vào những năm 1980, thiệt hại hàng năm là khoảng 50 tỷ USD và trong thập niên qua, con số đã tăng gấp 4 lần lên 200 tỷ USD/năm. Những con số này bao gồm các ước tính thiệt hại về người và việc làm cũng như các tổn thất về nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo ngày 18/11 của WB, những thiệt hại về kinh tế do các hiện tượng thời tiết là đặc biệt lớn ở các nước có thu nhập trung bình đang tăng trưởng nhanh, do các tài sản giá trị lớn dễ bị tàn phá. Báo cáo cho biết, ở các nền kinh tế này, thiệt hại do thiên tai tương đương với 1% GDP trong 6 năm 2001-2006, gấp 10 lần mức trung bình ở các nước thu nhập cao. Cơn bão Tomas đã "cuốn" đi 43% GDP của St Lucia năm 2010.
Đợt hạn hán năm 2008-11 ở vùng Sừng châu Phi mà vào lúc cao điểm đã khiến 13,3 triệu người lâm vào cảnh thiếu lương thực và gây ra thiệt hại ước lên tới 12,1 tỷ USD cho chỉ riêng Kenya.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói, cơn bão Haiyan vừa qua, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines, đã cho thấy biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tính tàn khốc của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông nói thế giới không thể trì hoãn hành động nhằm giảm lượng khí thải và giúp các nước có thể ứng phó với thiên tai đang ngày càng nhiều hơn.
WB cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước dễ tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với các thảm họa thời tiết. Việc xây dựng các công trình có thể chịu được thiên tai và hệ thống cảnh báo sớm có thể tốn kém song sẽ cứu được mạng sống của rất nhiều người và mang lại những lợi ích gấp 4-36 lần so với chi phí ban đầu./.