Thiết bị theo dõi tập luyện thể dục thể thao liệu có hiệu quả?

Nhiều thiết bị theo dõi tập luyện vẫn thiếu một số công cụ mà các chuyên gia y tế cho là cần thiết nhằm hỗ trợ người dùng tăng mức độ hoạt động thể chất.
Thiết bị theo dõi tập luyện thể dục thể thao liệu có hiệu quả? ảnh 1

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu tại Đại học Y Texas ở Galveston, Mỹ, nhiều thiết bị theo dõi tập luyện vẫn thiếu một số công cụ mà các chuyên gia y tế cho là cần thiết nhằm hỗ trợ người dùng tăng mức độ hoạt động thể chất, hay duy trì một chế độ tập luyện nhất định. Mặc dù vậy, khả năng của những thiết bị này vẫn được coi là rất ấn tượng.

“Mặc dù các thiết bị loại này đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng không có nhiều thông tin về sự khác biệt giữa các loại thiết bị khác nhau, về những tùy chỉnh được trang bị trong các ứng dụng, hay về tính hiệu quả của những tùy chỉnh nói trên,” tác giả Elizabeth Lyons, phó giáo sư thuộc Viện Khoa học Chuyển dịch thuộc Đại học Y Texas cho biết.

“Những thông tin phản hồi từ các thiết bị loại này có thể toàn diện bằng, thậm chí hơn, các thông tin được những chuyên gia chăm sóc sức khỏe cung cấp.”

Trong khi việc ứng dụng kỹ thuật số và các thiết bị công nghệ cao ngày càng trở nên phổ biến trong chăm sóc sức khỏe, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 13 thiết bị theo dõi thịnh hành nhất hiện nay, trong đó có BodyMedia, Misfit, Fitbug, Ibitz, Polar và Withings, nhằm so sánh hiệu quả hoạt động của các thiết bị này với các phương pháp của những chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Nhìn chung, theo các nhà nghiên cứu, những công cụ này có thể đáp ứng được cả về chất và lượng những khuyến nghị chuyên nghiệp của các bác sỹ về các vấn đề như thiết lập mục tiêu, tự giám sát và phản hồi. Nhưng nếu nói tới hoạt động thể chất, thì mặc dù những thiết bị này đều cung cấp một số công cụ nhất định được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe nhằm thúc đẩy luyện tập, song các thiết bị đều thiếu đi một số chiến lược quan trọng.

Những chiến lược này bao gồm lên kế hoạch hành động, hướng dẫn cụ thể, giải quyết vấn đề và cam kết - điều này có thể giải thích tại sao các nhà phân tích ước tính rằng có tới 50% số thiết bị theo dõi luyện tập bị “bỏ xó” chỉ sau 1 năm sử dụng.

Số liệu này được trích dẫn từ một nghiên cứu của Endeavor có liên quan tới hơn 6000 người sử dụng các thiết bị nói trên, trong đó có một số nhãn hiệu được đưa ra so sánh trong nghiên cứu của phó giáo sư Lyons.

Những thiết bị tập trung vào chất lượng thay vì số lượng các công cụ sẽ có thể khuyến khích người dùng duy trì kế hoạch tập luyện lâu dài hơn.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y học Internet./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục