Chuyển hướng kinh tế sang tăng trưởng xanh là mục tiêu Việt Nam cần hướng đến trong giai đoạn phát triển tới đây để vượt qua thách thức phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 đồng thời tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Đây là nội dung được chính được các diễn giả trình bày và thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 24/9.
Chưa quan tâm đúng mức
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết nếu không bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải “trả giá” cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6%-7% GDP. Tính cả phí y tế để chữa bệnh cho người dân, tổng khoản này sẽ lên đến 8%-10% GDP.
Nhìn ở góc độ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Lý nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh-sạch-đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể.
“Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của một đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ,” ông Lý nói.
[Ứng phó khủng hoảng năng lượng: Cần chính sách dài hạn và thực tế ]
Theo ông Lý, “cái giá” phải trả cho văn hóa-xã hội xuống cấp là khoảng 5%-6% GDP. Với con số này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có đạt 8%-9% vẫn chưa làm cho nền kinh tế đất nước phát triển (thực tế là kết quả âm).
“Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường,” ông lý nói.
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể nhiều bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tăng trưởng xanh. Do đó, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh.
“Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa,” bà Thủy nói.
Thêm vào đó, nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi” - làm đòn bẩy cho huy động đầu tư tư nhân trong bối cảnh hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm dần.
Không chỉ có vậy, bà Thủy nhấn mạnh hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa cũng như hướng tới tăng trưởng xanh.
“Trên thực tế, năng lực phát triển công nghệ và năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế không cao. Thời gian quan, công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển đồng thời trình độ khoa học-công nghệ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn rất thấp. Cộng thêm, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế..,” bà Thủy nói.
Lộ trình hành động xác định rõ
Về điều này, Tiến sỹ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP26) đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng ‘0’ - PTR0” của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, ông Việt Anh chỉ ra 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành-lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ-hành động và 134 nhiệm vụ-hoạt động. Theo đó, kế hoạch hành động của Việt Nam đã xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế -xã hội-môi trường cho toàn bộ nền kinh tế đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Ông Việt Anh chỉ rõ mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định song tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn.
“Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới,” ông Việt Anh nói.
Đóng góp đề xuất tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh chỉ ra việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, giúp Việt Nam đạt mục tiêu kinh tế-xã hội-môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông chính khẳng định: “Việc chuyển đổi này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.”
Tuy nhiên, để hướng tới nền kinh tế xanh từ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, vị chuyên gia này cho rằng cần phải tiếp tục có những triển khai tiếp từ nhận thức đến xem xét lại cơ chế chính sách và sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với xu thế chung toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới./.
Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp,” nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967). Tạp chí Kinh tế và Dự báo được xếp trong danh mục các tạp chí khoa học của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. |