Thợ lặn tìm được đường vào trong thân phà Sewol

Hai thợ lặn đã tìm được đường vào khoang chứa hàng ở tầng 2 của phà Sewol nhưng nhanh chóng phải thoát ra do thân phà chứa quá nhiều đồ vật.
Lực lượng cứu hộ chuyển xác nạn nhân vụ chìm phà tại cảng Jindo ngày 18/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, chiều 18/4, lực lượng tuần duyên và đội cứu hộ Hàn Quốc đã vào bên trong thân phà Sewol bị đắm tại vùng biển phía Tây Nam nước này.

Kênh truyền hình địa phương YTN đưa tin 2 thợ lặn đã tìm đường vào khoang chứa hàng ở tầng 2 của phà vào lúc 15 giờ 38 phút giờ địa phương (13 giờ 38 phút giờ Việt Nam).

Tuy nhiên, 14 phút sau khi đến gần cửa khoang chứa hàng, các thợ lặn đã phải ra khỏi thân phà do quá nhiều đồ vật chặn lối vào. Một thợ lặn cho biết phía bên trong quá tối, đến mức họ "không nhìn thấy chính bàn tay của mình."

Trước đó, đội thợ lặn đã 20 lần tìm cách vào bên trong thân phà, song không thành công do sóng lớn và tầm nhìn dưới nước hạn chế.

Trong ngày 18/4, lực lượng cứu hộ bắt đầu bơm ôxy vào khoang trong của phà Sewol để cung cấp dưỡng khí cho các nạn nhân có thể còn mắc kẹt bên trong.

Tầng 2 của phà gồm các khoang chứa hàng và ở tầng 1 có một phòng ăn. Có khả năng những người sống sót mắc kẹt ở tầng 3 và tầng 4, nhưng các thợ lặn chỉ vào được các tầng này sau khi hoàn tất việc bơm không khí vào các tầng 1 và 2.

Hàn Quốc hiện đã tập trung mọi phương tiện và lực lượng nhằm đẩy nhanh tiến độ cứu hộ phà Sewol.

Ba tàu cứu hộ loại lớn đã tới vùng biển này để kéo chiếc phà bị chìm lên khỏi mặt nước, trong khi hàng trăm thợ lặn thuộc Cơ quan Bảo vệ bờ biển và Hải quân Hàn Quốc, cùng hàng chục máy bay, trực thăng và tàu tham gia công tác cứu hộ.

Vụ tai nạn phà Sewol xảy ra vào thời điểm sóng biển lặng và thời tiết không có yếu tố bất thường nên các nhà điều tra tập trung vào vai trò của người điều khiển phà cũng như ứng phó của các nhân viên phà khi gặp sự cố.

Các công tố viên Hàn Quốc ngày 18/4 cho biết người chịu trách nhiệm chính điều khiển phà hôm đó - Thuyền trưởng Lee Joon-Seok, 69 tuổi - đã không có mặt tại buồng lái vào thời điểm chiếc phà bị nghiêng và chìm, mà người điều khiển phà là một phụ lái 26 tuổi, mới có một năm kinh nghiệm lái phà và làm việc trên phà Sewol được 5 tháng.

Các cuộc hội thoại từ buồng lái phà Sewol với cơ quan giám sát từ đất liền được ghi lại, cũng như các cuộc phỏng vấn do hãng AP thực hiện đối với nhân viên trên phà Sewol may mắn sống sót, cho thấy chỉ huy phà đã trì hoãn việc sơ tán hành khách tới 30 phút sau khi nhận được khuyến cáo từ đất liền.

Các công tố viên cho rằng người điều khiển phà lúc đó đã bẻ lái quá gấp dẫn đến phà bị lật nghiêng.

Theo Bộ Hải dương và Nghề cá Hàn Quốc, phà thực hiện cú bẻ lái thứ nhất lúc 8 giờ 48 phút sáng 16/3 (giờ địa phương) và cú bẻ lái thứ hai được thực hiện sau đó 4 phút.

Tín hiệu cấp cứu được phà Sewol phát đi lúc 8 giờ 55 phút. Các chuyên gia cho rằng sự chuyển hướng đột ngột đã khiến hơn 180 ôtô và xe tải cùng 1.100 tấn hàng trên boong trượt về mạn trái, gây nghiêng và chìm phà vào lúc 11 giờ 30 cùng ngày.

Tính đến 14 giờ 30 ngày 18/4 (giờ Việt Nam), đã có 179 người được cứu sống, 28 người đã tử nạn và 268 người còn mất tích. Có 20 trong tổng số 29 nhân viên của phà Sewol sống sót, trong đó có thuyền trưởng Lee Joon-Seok.

Trong khi đó, cảnh sát ngày 18/4 phát hiện thi thể một hiệu phó trường trung học sống sót trong vụ đắm phà.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết cảnh sát tìm thấy hiệu phó Kang Min-Kyu, 52 tuổi, treo cổ trên cây gần phòng tập thể thao trong trường, nơi người nhà của 268 nạn nhân mất tích trong vụ đắm phà tập trung chờ tin người thân.

Nguyên nhân cái chết đang được điều tra, song cảnh sát cho rằng hiệu phó Kang Min-Kyu đã tự sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục