Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik ngày 15/3 tuyên bố đã đến lúc nước này "cần xem xét lại" thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về hạn chế dòng người di cư nước ngoài kéo tới "Lục địa già."
Động thái này được cho là sự đáp trả của Ankara đối với căng thẳng hiện nay giữa nước này với nhiều nước EU.
Ông Omer Celik cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 3/2016, ngược lại khối này đã "không giữ lời hứa."
Theo ông Celik, EU rõ ràng không muốn áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận nói trên. Do đó, không có bất kỳ lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục duy trì "thỏa thuận suông" này với EU.
Cảnh báo rút khỏi thỏa thuận di cư với EU nói trên được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và một số nước EU đang lún sâu vào "vòng xoáy" chỉ trích lẫn nhau sau khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới vận động chính trị để lôi kéo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp sắp diễn ra vào ngày 16/4 tới.
[Căng thẳng ngoại giao Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục leo thang]
Căng thẳng này cũng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan, đe dọa áp đặt trừng phạt và đưa vụ việc ra trước Tòa án nhân quyền châu Âu.
Hồi tháng Ba năm ngoái, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt đổ tới châu Âu, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại những người di cư trái phép ở châu Âu; đổi lại EU sẽ tăng viện trợ và phải nhượng bộ Ankara mọt số vấn đề chính trị, trong đó có việc miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.
Tuy nhiên, quá trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trì hoãn do giới chức EU quan ngại trước chiến dịch bắt giữ hàng loạt "chưa từng có tiền lệ" của Ankara sau khi đập tan vụ đảo chính quân sự hồi tháng 7/2016 tại nước này./.