Theo Reuters, sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7, chính quyền Ankara tiến hành một chiến dịch thanh trừng trên diện rộng.
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 30/7, khoảng 18.000 người bị tạm giam, gần 10.000 người bị bắt giữ.
Chiến dịch thanh trừng không loại trừ một lĩnh vực nào, kể cả báo giới. Gần 50 ngàn hộ chiếu bị hủy bỏ nhằm ngăn chặn các trường hợp chạy trốn ra nước ngoài. Hiện các cuộc thanh trừng bắt đầu nhắm vào giới doanh nhân.
Giờ đây, đến lượt giới doanh nhân nằm trong tầm ngắm của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đối tượng đầu tiên là gia đình Boydak đứng đầu một tổ hợp sở hữu một thương hiệu đồ dùng gia đình nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Doanh nghiệp này được thành lập ở Kayseri, được mệnh danh là một trong những Con hổ của vùng Anatolie, đã tranh thủ chính sách tân tự do về kinh tế do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chủ trương để phát triển trong những năm 2000.
Ngày 29/7, Chủ tịch Tập đoàn Mustafa Boydak và hai thành viên trong gia đình đã bị bắt.
Ba lãnh đạo khác của tập đoàn đang bị truy nã, với cùng một lý do có quan hệ gần gũi với giáo sỹ Fethullah Gulen, được coi là đầu não vụ đảo chính không thành.
Như vậy, sau khi nhắm vào các lĩnh vực chủ chốt trong giới công chức, giờ đây, các cuộc thanh trừng mở rộng sang các lĩnh vực trong xã hội dân sự như truyền thông, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và bây giờ là các doanh nghiệp.
Mục tiêu thanh trừng này có thể tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị chấn động, chao đảo do âm mưu đảo chính.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố các chỉ huy quân đội nước này sẽ phải báo cáo trước Bộ Quốc phòng, ngoài ra các học viện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đóng cửa.
Đây là một động thái nhằm đưa quân đội nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát dân sự sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua.
Ông Erdogan cũng cho hay các học viện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế bằng một trường đại học quốc phòng.
Trong khi đó, hãng tin Anadolu đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã thả 758 binh sỹ bị bắt sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua./.