Thổ Nhĩ Kỳ không đề nghị LHQ điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Vụ việc của nhà báo Khashoggi là một trong những nội dung trong cuộc trao đổi ngắn của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu với Tổng thư ký Antonio Guterres tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/11, Liên hợp quốc cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thảo luận vụ sát hại nhà báo Khashoggi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Tuy nhiên, quan chức này đã không đề nghị Liên hợp quốc mở điều tra quốc tế đối với vụ việc.

Theo người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric, vụ việc của nhà báo Khashoggi là một trong những nội dung trong cuộc trao đổi ngắn tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Ngoài ra, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Guterres cũng trao đổi về tình hình Yemen và Syria.

Ông Dujarric cũng cho biết trong trường hợp được yêu cầu mở một cuộc điều tra chính thức, Tổng thư ký sẽ muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an hoặc Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Trước đó, ngày 16/11, các nguồn tin chính phủ cho hay CIA đã thông báo với chính quyền Tổng thống Donald Trump về vụ giết hại nhà báo Khashoggi và tin rằng Thái tử Mohammed bin Salman đứng sau việc này.

Tổng thống Trump sau đó cho rằng đánh giá của CIA là "vô cùng vội vã." Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Nhà Trắng chưa có kết luận cuối cùng về vụ sát hại nhà báo trên.

Trả lời phỏng vấn báo Al Sharq Al Awsat bằng tiếng Arab, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 20/11 đã bác bỏ thông tin của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về việc Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

[Saudi Arabia bác bỏ báo cáo Thái tử ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi]

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.

Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.

Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ nhiều người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.

Đến nay, tổng cộng 21 người Saudi Arabia đã bị giam giữ do liên quan đến vụ sát hại trên. Trong số đó, 11 người bị truy tố và những người còn lại đang bị điều tra.

Tuy nhiên, nhiều nước như Mỹ, Đức, hay Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với cách giải thích hay xử lý vụ việc của Riyadh.

Mỹ cũng đã hủy thị thực của 21 quan chức Saudi Arabia bị tình nghi. Trong khi đó, Đức đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức nhà nước Saudi Arabia, đồng thời đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia, kể cả các đơn hàng đã được phê duyệt. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục