Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 16/4 tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân trước đó cùng ngày nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống, tức nhiều hơn phe phản đối 1,3 triệu phiếu.
Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.
Phát biểu tại Dinh thự chính thức của mình ở Istanbul, ông Erdogan nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về một sự thay đổi quan trọng như vậy bằng ý chí của Quốc hội và nhân dân. Lần đầu tiên tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa, chúng ta sẽ thay đổi hệ thống cầm quyền của mình thông qua nền chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao điều này hết sức quan trọng."
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,3% sau khi 99% số phiếu được kiểm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86%.
[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi ủng hộ sửa đổi Hiến pháp]
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chúc mừng lãnh đạo các đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa (MHP) và đảng Đại Thống nhất (BBP) cực hữu về chiến thắng này.
Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân.
Theo AFP, Thủ lĩnh đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kemal Kilicdaroglu ngày 16/4 đã bày tỏ hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý.
Ông Kilicdaroglu nói: "Ủy ban bầu cử tối cao đã phủ bóng đen lên quyết định của người dân. Họ đã khiến người ta hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý."
Ông Kilicdaroglu đồng thời chỉ trích cơ quan này vì sự thay đổi vào phút chót đối với quy định bỏ phiếu.
Trong diễn biến liên quan, theo tường thuật của phóng viên tờ die Welt (Thế giới) Christina Lewinsky tại Istabul, một số quan sát viên của cuộc trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lực lượng cảnh sát nước này bắt giữ. Phe đối lập nghi ngờ có gian lận trong cuộc cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, và sau đó đã có một vụ nổ súng. Ngày bầu cử đã trải qua những phút căng thẳng.
Cùng ngày, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã chỉ trích chiến dịch tranh cử không công bằng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo AFP/Reuters, ngày 16/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi các cường quốc tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc trao thêm quyền hành cho ông.
Ông Erdogan nói: "Chúng tôi muốn các nước khác và các tổ chức thể hiện sự tôn trọng đối với quyết định của đất nước này", đồng thời ông kêu gọi các đồng minh có nhận thức lớn hơn về những vấn đề "nhạy cảm" của Thổ Nhĩ Kỳ trong "cuộc chiến chống khủng bố."
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng cho hay ông có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc khôi phục án tử hình.
Cùng ngày, Ủy hội châu Âu (CoE) cho biết giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nên suy nghĩ thận trọng về các bước tiếp theo. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký CoE Thorbjorn Jagland nói: "Điều hết sức quan trọng là đảm bảo sự độc lập của bộ máy tư pháp phù hợp với các nguyên tắc pháp quyền đã được ghi trong Công ước châu Âu về nhân quyền. Ủy hội châu Âu, mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên đầy đủ, sẵn sàng hỗ trợ Ankara trong tiến trình này."
Kết quả cuộc bỏ phiếu được cho là mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU)./.