Trong một động thái mới nhất, người phát ngôn Lực lượng Mỹ tại Afghanistan Sonny Leggett cho biết, ngày 4/3, quân đội Mỹ đã lần đầu tiên mở cuộc không kích các tay súng Taliban trong vòng 11 ngày qua nhằm đáp trả một cuộc tấn công do phiến quân tiến hành nhằm vào các lực lượng Afghanistan ở tỉnh Helmand, miền Nam quốc gia Tây Nam Á này.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Sonny Leggett nêu rõ cuộc không kích ngày 4/3 của Mỹ nhằm vào các chiến binh Taliban ở Nahr-e-Saraj, Helmand, đã tấn công một chốt kiểm soát của Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (ANDSF).
Trước đó, ngày 3/3, tạp chí ModernDiplomacy cho biết các đại diện của Mỹ và phong trào Taliban đã ký một thỏa thuận sau cuộc đàm phán kéo dài ở Doha (Qatar), với hy vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ trong lịch sử.
Thỏa thuận, được ký kết với sự hiện diện của rất nhiều nhà lãnh đạo từ Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Uzbekistan, Tajikistan và Ấn Độ, nhằm mục đích dọn đường cho Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.
Theo tuyên bố chung do các nhà đàm phán đưa ra, Mỹ sẽ có lộ trình rút các binh sỹ trong vòng 14 tháng. Ước tính, hiện có khoảng 14 nghìn binh sỹ Mỹ và 17 nghìn lính của lực lượng liên quân đang đồn trú ở Afghanistan với nhiệm vụ đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, thỏa thuận này được nhận định là vẫn mong manh xét tới các điều khoản của nó, nhất là cam kết của Mỹ về việc rút quân của nước này cũng như các nước đồng minh.
[LHQ hối thúc giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan]
Mỹ sẽ giảm dần sự hiện diện quân đội tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sỹ trong vòng 135 ngày đầu tiên và số binh sỹ còn lại sẽ rút trong khoảng thời gian 9 tháng rưỡi.
Thỏa thuận hòa bình toàn diện gồm 4 phần chính: thứ nhất, Taliban sẽ đảm bảo và chịu trách nhiệm về việc lãnh thổ Afghanistan sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại an ninh của Mỹ và đồng minh; thứ hai là đảm bảo và tìm ra một cơ chế cũng như thông báo về mốc thời gian rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan; thứ ba, sau khi rút toàn bộ binh sỹ nước ngoài sẽ khởi động các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan vào ngày 10/3; và cuối cùng là một lệnh ngừng bắn toàn diện và kéo dài.
Bốn điều khoản này liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó 2 điều khoản đầu tiên sẽ mở đường cho việc thực hiện 2 điều khoản sau.
Có thể thấy rằng Mỹ sẽ chỉ rút binh sỹ theo các mốc thời gian đã định nếu Taliban tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, không thể dự đoán được kết quả của giai đoạn này.
Mặt khác, nếu thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hoàn toàn chắc chắn, nó sẽ đặt ra các thách thức mới cũng như sự lo ngại của Chính phủ Afghanistan và người dân nước này.
Ví dụ, lực lượng Taliban sẽ đàm phán với Chính phủ Afghanistan hiện nay như thế nào? Trước đây và thậm chí hiện nay, Taliban vẫn chưa sẵn sàng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani.
Chỉ vài phút trước khi ký thỏa thuận, Taliban cho rằng việc đàm phán với chính phủ hiện nay ở Afghanistan không phải là một phần của hiệp định. Taliban sẽ chỉ đàm phán với người dân nước này.
Lực lượng Taliban tin rằng họ đã đóng một vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Afghanistan và họ muốn kiểm soát 70% lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định liệu Taliban có đàm phán với chính quyền hiện nay ở Afghanistan hay không?
Từ năm 2010, Taliban đã khẳng định rằng nếu như có đàm phán thì sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn: quốc tế và nội bộ Afghanistan.
Ngoài thỏa thuận quốc tế liên quan đến văn kiện vừa ký với Mỹ, nếu Taliban thất bại trong việc thương lượng với chính quyền Ashraf Ghani, lực lượng này cũng rất khó có thể đối thoại với người dân Afghanistan và thuyết phục họ xây dựng một nhà nước mới với tên gọi "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" với tư tưởng và hệ thống chính trị mới.
Mỹ và các đồng minh cho rằng các cuộc thương lượng với Taliban sẽ góp phần đưa Taliban và Chính phủ Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán nhằm đem lại ổn định cho khu vực.
Tuy nhiên, cho đến nay Taliban đã từ chối đàm phán với Chính phủ Afghanistan do phương Tây bảo trợ, tuyên bố rằng đó chỉ là chế độ bù nhìn.
Như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, khi các cuộc đàm phán giữa các phe phái Afghanistan diễn ra, Mỹ sẽ giám sát các hành động của Taliban để xem xét liệu các nỗ lực của Taliban hướng tới hòa bình có thật sự chân thành hay không.
Nếu Taliban tuân thủ thỏa thuận, Mỹ sẽ bắt đầu giảm quân dựa theo các điều kiện. Đồng thời, Mỹ sẽ hợp tác với các thành viên khác của Liên quân để tiến hành rút quân từng phần.
Mặc dù vậy, nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội cùng các lực lượng khác tại Afghanistan quyết định tương lai của đất nước.
Những tuyên bố cứng rắn của ông Esper cho thấy một rào cản khác đối với các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe nhóm tại Afghanistan. Các cuộc thương lượng song phương giữa Taliban và chính quyền Ashraf luôn khó khăn và rất phức tạp.
Một trong những điểm mấu chốt là yêu cầu Chính phủ Afghanistan phải thả 5.000 tay súng Taliban và Taliban sẽ trả tự do cho 1.000 nhân viên an ninh của chính phủ.
Tuy nhiên, ông Ashraf đã tuyên bố rằng việc thả các tù nhân Taliban không thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và không có bất kỳ cam kết nào về việc thả 5.000 tù nhân.
Vấn đề là Mỹ và Taliban đã thất bại trong việc thảo luận các điều khoản bổ sung của cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Afghanistan.
Ngoài ra, thỏa thuận Mỹ-Taliban không hề đề cập liệu lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục được duy trì sau 7 ngày hoặc không bao giờ. Các chuyên gia tin rằng về mặt kỹ thuật, Taliban sẽ không phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng một số trường hợp cụ thể như thương lượng với Chính phủ Afghanistan có thể sẽ lật ngược tình thế.
Hơn nữa, nếu đàm phán song phương giữa Taliban và chính phủ thất bại, Taliban sẽ tiếp tục tấn công vào các lực lượng quân đội cũng như người dân ủng hộ chính phủ. Không có thỏa thuận nào là hoàn hảo./.